Đồng bào núi cao sẽ không còn nỗi lo thiếu nước sạch
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:10, 25/02/2016
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, đây là một Chương trình toàn diện, tổng thể để khắc phục được các mặt hạn chế, bất cập trong việc tìm nguồn nước ở vùng núi cao trước đây, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia.
Theo Quyết định phê duyệt, Dự án được Trung tâm QH&ĐTTNNQG triển khai thực hiện từ năm 2015 – 2020, gồm 02 giai đoạn (2015 – 2017 và 2018 – 2020) với mục tiêu tìm kiếm nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước và lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho các vùng của dự án. Dự án được thực hiện tại 426 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với diện tích 4.945 km2 thuộc 41 tỉnh, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh và Bình Phước. Giai đoạn 1 (2015-2017) thực hiện tại 237 vùng thuộc 41 tỉnh; Giai đoạn 2 (2018-2020) thực hiện tại 189 vùng thuộc 36 tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Triệu Đức Huy nhấn mạnh: Để triển khai đồng bộ các Dự án trong Chương trình đạt hiệu quả cao, Trung tâm sẽ đưa ra một số nguyên tắc cơ bản và thực hiện nghiêm chỉnh theo những nguyên tắc ấy.
Thứ nhất, để tránh lãng phí trong quá trình triển khai cần đổi mới tư duy, cách làm, làm tới đâu chắc tới đó và triển khai từng bước. Một nguồn nước muốn phát triển bền vững vấn đề cốt lõi phải đạt được 3 yếu tố “đánh giá kỹ về nguồn – vận hành cấp nước chuyên nghiệp – người dân chấp nhận sử dụng”.
Thứ hai, phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể từng nguồn nước để đưa ra công nghệ và giải pháp kỹ thuật khai thác đặc biệt là nguồn nước dưới đất trong các hang động karst trên các vùng núi đá vôi; kỹ thuật khai thác nước trong các thấu kính nước nhạt vùng ven biển; công nghệ và giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất khai thác của các giếng khoan có lưu lượng thấp; công nghệ, giải pháp kỹ thuật xử lý nước bị ô nhiễm. Các giải pháp công nghệ phải đặc biệt lưu tâm tới điều kiện áp dụng thực tiễn hiện nay ở các vùng núi cao, khan hiếm nước trong phạm vi Chương trình.
Thứ ba, việc lựa chọn thí điểm triển khai xây dựng công trình cấp nước phải đảm bảo thành công, đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Mỗi tỉnh trong giai đoạn I dự kiến sẽ triển khai xây dựng 02 công trình cấp nước tập trung, trước khi xây dựng đảm bảo phải là rõ điều kiện nguồn nước, xây dựng được cơ chế vận hành nguồn nước hậu đầu tư và phải có cam kết của địa phương sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước mới tổ chức triển khai xây dựng.
Thứ tư, trên cơ sở kết quả điều tra từ nguồn vốn của Trung ương, căn cứ điều kiện thực tế từng địa phương, chọn những bước đi và giải pháp thích hợp, huy động được mọi nguồn lực kể cả của dân địa phương để có thể đưa ngay nguồn nước đến tận tay người sử dụng, tránh tình trạng nguồn nước thì có nhưng đồng bào vẫn không có nước sạch dùng trong ăn uống sinh hoạt.
“Việc thực hiện thành công Dự án số 1, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ góp phần quan trọng trong việc mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đem lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn cho cuộc sống của đồng bào ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước, từ đó giúp cuộc sống đồng bào dần ổn định, yên tâm định cư và thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước” – ông Triệu Đức Huy khẳng định.
Đồng thời, kết quả của Dự án sẽ góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
(Theo Tài nguyên môi trường)