Huyện Đông Anh, Hà Nội: Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi đang bị xâm hại nghiêm trọng

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 19:40, 13/03/2018

Cố tình xây nhà trái quy định trên đất tranh chấp

(Moitruong.net.vn) – Một gia đình đã xây công trình phụ trái quy định của pháp luật xâm lấn sát vào ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 100 tuổi khiến ngôi nhà cổ đang có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng. Cuộc sống của những thành viên đang sinh sống trong ngôi nhà cổ này đang bị đe dọa bởi cứ mỗi trận mưa là nước lại chảy qua mái ngói vào nhà do không còn hệ thống thoát nước mưa. Chủ của ngôi nhà cổ đã làm đơn kiến nghị khắp nơi, thậm chí khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết nhưng sự việc vẫn không được xử lý thấu tình đạt lý.

Theo tìm hiểu của PV, gia đình cụ Lê Xuân Tích, SN 1936, sống lâu đời tại mảnh đất cha ông để lại, trên đất có ngôi nhà cổ khoảng hơn 100 năm, được xây dựng từ thời Nguyễn ở thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thửa đất có diện tích 434m2 thuộc thửa số 24, tờ bản đồ số 45 được UBND huyện Đông Anh cấp GCNQSDĐ từ năm 1999. Giáp ranh là thửa số 22 có diện tích 174m2 đã được cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Tâm, SN 1960 vào năm 2006.

Ngôi nhà cổ hơn 100 năm của gia đình cụ Tích đang bị xâm hại

Hai gia đình sẽ vẫn sống hòa thuận nếu gia đình bà Tâm không xây dựng công trình phụ lấn chiếm vào đất của gia đình cụ Tích. Ngay sau khi phát hiện gia đình bà Tâm đào móng nhà lấn sang đất nhà mình, áp sát móng ngôi nhà cổ, gia đình cụ Tích đã sang nhà bà Tâm trao đổi nhẹ nhàng và yêu cầu nhà bà Tâm không được xây dựng công trình sát ngôi nhà cổ, nhưng gia đình bà Tâm không nghe và tiếp tục cho thợ xây dựng. Quá bức xúc, cụ Tích đã làm đơn kiến nghị sự việc tới chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh đề nghị vào cuộc xử lý sự việc.

Ngày 6/11/2015, UBND xã Xuân Canh đã xuống kiểm tra và lập biên bản ghi nhận hiện trường. Trong biên bản nêu rõ việc gia đình bà Tâm xây dựng đang lấn sang đất nhà cụ Tích.

Ngày 16-12-2015, UBND xã Xuân Canh mời 2 gia đình ra hòa giải nhưng không thành, UBND xã Xuân Canh yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng tranh chấp, không được xây dựng, cơi nới, sửa chữa làm thay đổi hiện trạng sử dụng của hai bên. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào mà gia đình bà Tâm vẫn xây dựng xong công trình lên tới 3 tầng áp sát với móng và ngói ngôi nhà cổ, khiến ngôi nhà cổ không còn chỗ thoát nước mưa, cứ mưa là nước lại tràn vào nhà.

Gia đình bà Tâm xây dựng công trình phụ sát mái của ngôi nhà cổ

Đáng chú ý, thửa đất của gia đình bà Tâm được cấp “sổ đỏ” có diện tích 174m2 nhưng thực tế sử dụng là 188,3m2; còn diện tích thửa đất của gia đình cụ Tích được cấp “sổ đỏ” là 434m2 nhưng thực tế sử dụng chỉ còn 407,3m2.

Nhằm xử lý dứt điểm việc tranh chấp, cụ Tích đã làm đơn khởi kiện và đề nghị TAND huyện Đông Anh yêu cầu gia đình bà Tâm tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại phần đất lấn chiếm, đồng thời tuyên huỷ “sổ đỏ” đã cấp cho gia đình bà Tâm.

TAND huyện Đông Anh có thực sự công tâm…?

Sau 9 tháng thụ lý vụ án, ngày 6-9-2016, TAND huyện Đông Anh đã đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ GCNQSDĐ” ra xét xử sơ thẩm. Cho rằng, việc cấp “sổ đỏ” cho cụ Tích và bà Tâm bị chồng lấn giữa hai bên với diện tích 22,44m2; diện tích chồng lấn này theo bản đồ thì thuộc đất của gia đình cụ Tích, theo hiện trạng thì thuộc gia đình bà Tâm… nên TAND huyện Đông Anh đã tuyên huỷ cả hai “sổ đỏ” đã cấp cho cụ Tích và bà Tâm.

Ông Lê Xuân Bình, con trai cụ Tích: “Tôi mong TAND TP Hà Nội sớm đưa vụ án ra xét xử”

Ông Bình con trai cụ Tích cho rằng, TAND huyện Đông Anh tuyên huỷ “sổ đỏ” đã cấp cho gia đình cụ Tích đã vượt quá yêu cầu của nguyên đơn là chưa đúng, chưa căn cứ vào các quy định của pháp luật. Ông Bình lý giải:

Thứ nhất, bản đồ 364 lập năm 1994 là tài liệu chính xác đã được thực hiện có quy mô với máy móc hiện đại, với kỹ thuật đo vẽ thể hiện chính xác diện tích, hình thể của từng thửa đất căn cứ vào hiện trạng thực tế đang sử dụng đất tại thời điểm đó. Năm 1999, UBND huyện Đông Anh cấp “sổ đỏ” cho gia đình cụ Tích theo kích thước, diện tích thể hiện trong bản đồ 364, dựa vào Biên bản kiểm tra bản đồ địa chính và xác minh mốc giới, kích thước, hình thể, diện tích thửa đất ngày 10-3-1998 đã được trưởng thôn, cán bộ địa chính và các hộ liền kề, trong đó có bà Tâm ký xác nhận và có đóng dấu của UBND xã Xuân Canh.

Bản đồ địa chính năm 1994 thể hiện, phía sau ngôi nhà cổ vẫn còn một phần diện tích đất

Thứ hai, Phòng TN&MT huyện Đông Anh đã khẳng định, UBND huyện Đông Anh cấp “sổ đỏ” cho gia đình cụ Tích đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai; việc chồng lấn diện tích, kích thước trong hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho cụ Tích là trùng khớp với bản đồ địa chính năm 1994. Diện tích chồng lấn là 22,44m2 nằm trong “sổ đỏ” của gia đình cụ Tích, ở phía sau ngôi nhà cổ, gia đình dùng để làm rãnh thoát nước mưa và tôn tạo, tu bổ ngôi nhà cổ này nhưng hiện tại gia đình bà Tâm đang sử dụng.

Thứ ba, sau khi gia đình cụ Tích được cấp “sổ đỏ” thì hơn 7 năm sau (năm 2006), gia đình bà Tâm mới được cấp “sổ đỏ”. Bà Tâm đã giả mạo chữ ký của cụ Tích trong Biên bản kiểm tra bản đồ địa chính và xác minh mốc giới, kích thước, hình thể, diện tích, thửa đất của gia đình bà Tâm. Mặt khác, Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho rằng, năm 2006 khi lập hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà Tâm, UBND xã Xuân Canh chỉ kiểm tra hiện trạng và lập hồ sơ theo kích thước đo đạc hiện trạng. Do UBND xã sơ xuất không đối chiếu giữa hồ sơ lập năm 1998 và năm 2006 nên có sự chồng lấn diện tích tại phần giáp ranh giữa hai thửa đất của hai hộ gia đình. Chính vì vậy đã dẫn đến việc, UBND huyện Đông Anh cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà Tâm với hình thể thửa đất sai khác so với bản đồ địa chính lập năm 1994, chồng lấn lên “sổ đỏ” đã cấp cho gia đình cụ Tích.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra nhận định, TAND huyện Đông Anh thụ lý và đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ GCNQSDĐ” ra xét xử sơ thẩm là sai thẩm quyền. Việc cấp “sổ đỏ” cho gia đình cụ Tích đã đúng theo quy định của pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương và các hộ liền kề dựa trên bản đồ địa chính lập năm 1994 theo hiện trạng sử dụng đất. Bà Tâm đã giả mạo chữ ký trong hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” và do sơ xuất của UBND xã Xuân Canh đã khiến UBND huyện Đông Anh cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà Tâm chồng lấn lên “sổ đỏ” của gia đình ông Tích và dẫn đến việc tranh chấp giữa hai gia đình, gây mất ANTT tại địa phương. TAND huyện Đông Anh dựa vào yêu cầu của bà Tâm và hiện trạng sử dụng đất để tuyên huỷ cả “sổ đỏ” của gia đình cụ Tích là chưa đủ căn cứ.

Được biết, sau khi cụ Tích kháng cáo, ngày 23-3-2017, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm và tuyên huỷ toàn bộ bán án sơ thẩm của TAND huyện Đông Anh do xuất hiện tình tiết mới. Để giải quyết triệt để tranh chấp, cần phải điều tra xem xét phần diện tích tăng thêm của gia đình bà Tâm so với “sổ đỏ” là của mẹ bà Tâm cho hay lấn đất của gia đình cụ Tích.

Do các đương sự xin huỷ “sổ đỏ” nên theo Bộ LTTDS năm 2015 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của của TAND TP Hà Nội. Do vậy, TAND TP Hà Nội đã giữ hồ sơ vụ kiện để điều tra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên, sau gần 1 năm TAND TP Hà Nội thụ lý, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Việc TAND huyện Đông Anh tuyên huỷ “sổ đỏ” của gia đình cụ Tích và việc TAND TP Hà Nội chậm trễ đưa vụ án ra xét xử đã khiến gia đình cụ Tích bức xúc và gửi đơn cứu xét tới nhiều cơ quan chức năng ở TP Hà Nội.

Minh Trí

Minh Trí