Cửa hàng, bãi đỗ xe tự phát vây kín cổng chùa
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 03:34, 03/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Đền, chùa là nơi linh thiêng, yên tĩnh dành cho những người có mong muốn tham quan, vãn cảnh và cầu may mắn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người dân đã phá vỡ sự yên bình của chốn thiêng liêng bằng cách mở các cửa hàng kinh doanh, các bãi đỗ xe trái phép.
Tam quan Quán chùa Huyền Thiên trở thành nơi gửi xe
Dạo một vòng quanh phố cổ Hà Nội, hầu hết các cổng chùa, đình, đền đều bị người dân ngang nhiên lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán, để xe… Tình trạng này phổ biến tại một số nơi như: Đình Thanh Hà (số 10 Ngõ Gạch), Hội quán Phúc Kiến (phố Lãn Ông), Quán chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai), đình Thái Cam (Hàng Vải)… đều bị sử dụng vỉa hè phía trước làm nơi buôn bán, trông giữ xe máy phục vụ kinh doanh.
Khu vực cổng Hội quán Phúc Kiến (40 phố Lãn Ông) được tận dụng làm nơi gửi xe, đặc biệt gây tắc đường mỗi khi học sinh trường tiểu học Hồng Hà tan học
Hội quán Phúc Kiến (số 40 phố Lãn Ông) là một kiến trúc gắn bó mật thiết với cộng đồng người Hoa có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Định cư ở Thăng Long, họ tổ chức thành bang và xây dựng Hội quán, vừa làm nơi thờ vị thần bảo hộ cuộc sống, vừa làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Đây là công trình kiến trúc đặc biệt chứa đựng nhiều di tích lịch sử. Hiện nay, các diện tích này được sử dụng làm lớp học cho trường tiểu học Hồng Hà.
Tình trạng buôn bán, xe máy dàn hàng ngang chặn ngay mặt tiền đình Thanh Hà số 10 Ngõ Gạch
Đình Thanh Hà thờ Đại vương Trần Lựu – một vị tướng thời Trần (thế kỷ XIII). Đình được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc năm 1989 và gắn biển cấm xâm phạm. Tuy nhiên, ngay ngoài cổng đình một số hộ dân lấn chiếm và biến thành nơi kinh doanh.
Thực trạng các di tích đình, chùa bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe, buôn bán không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan di tích mà còn khiến du khách gặp nhiều khó khăn trong việc tham quan, vãn cảnh. Đã đến lúc các cơ quan chức năng và người dân cần có những hành động cụ thể tích cực để bảo vệ tài sản chung của quốc gia, trả lại sự tôn nghiêm cho các di tích lịch sử văn hóa.
Theo Xây dựng