Đường gom đại lộ Thăng Long “hễ mưa là lụt”, đâu là nguyên nhân?
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 03:30, 26/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Sau trận mưa lớn ngày 21/7, đường gom đại lộ Thăng Long (Hà Nội) ngập sâu, tình trạng ngập kéo dài nhiều ngày. Lưu thông giao thông tại đoạn đường gom vì thế mà tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân thường tham gia giao thông qua đoạn đường này.
Người dân chỉ còn cách sử dụng dịch vụ vận chuyển thô sơ qua đoạn ngập sâu ở đường gom đại lộ Thăng Long (Ảnh chụp sau trận mưa lớn ngày 21/7/2018) – Ảnh: Khánh Linh
Thiết kế cao độ đường gom và các khu đô thị có vấn đề
Lí giải nguyên nhân thời gian qua các khu đô thị thuộc đường đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn bị ngập nặng, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT cho rằng, do trước đây, chủ đầu tư làm đường và khu đô thị đều không khảo sát thiết kế một cách nghiêm túc. Thiết kế cao độ ở đường gom đại lộ Thăng Long cũng có vấn đề.
“Vì thiết kế đường gom ăn theo trục đường Lê Trọng Tấn khi làm bị độ dốc quá lớn dẫn đến đường gom tạo thành vùng trũng. Lúc khảo sát, chủ đầu tư không nắm rõ tình hình ngập úng ở đây dẫn tới thiết kế cao độ bị sai. Không những thiết kế cao độ bị sai cả trục đường gom đại lộ Thăng Long (bắt đầu từ hầm chui đường sắt lên đến Láng – Hòa Lạc) mà có những điểm khảo sát về đường gom không đúng”, ông Mười phân tích.
Ông Mười cũng cho biết, theo hồ sơ của Hà Tây cũ, khu vực này là vùng xả lũ để cứu Hà Nội dẫn đến cao độ thấp. “Về quy hoạch là có, nhưng cốt nền chủ đầu tư thiết kế sai dẫn đến cao độ sai, thành vùng trũng tích tụ nước”, ông Mười nói và cho biết, nhà ông cũng nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn – đại lộ Thăng Long. Đợt lũ vừa qua, ông thấy bà con đi lại rất khó khăn, nhiều phương tiện bị hỏng hóc. “Chính tôi trong đợt ngập vừa qua cũng bị hỏng ô tô khi đi trên trục đường từ nhà đến cơ quan làm việc”, ông Mười chia sẻ.
Ngược lại, đại diện Ban QLDA Thăng Long (đơn vị trước đây thực hiện quản lý dự án) cho biết, về mặt kỹ thuật, cốt nền của dự án đều tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của Bộ GTVT.
“Mấy năm đầu dự án đưa vào sử dụng, khai thác không xuất hiện tình trạng ngập lụt khi mưa lớn. Hiện tượng này mới chỉ xảy ra trong những năm gần đây khi các khu đô thị được xây dựng ồ ạt hai bên tuyến đường, khiến hệ thống thoát nước trong khu vực không đáp ứng yêu cầu”, đại diện Ban QLDA Thăng Long chia sẻ và khẳng định: Hiện tượng ngập lụt trên đại lộ Thăng Long không liên quan đến cốt nền của tuyến đường.
Người dân vất vả vượt qua chỗ ngập đoạn đường gom đại lộ Thăng Long, gần lối vào khu độ thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco (ảnh chụp ngày 21/7) – Ảnh: Khánh Linh
Bỏ quên hệ thống thoát nước, hồ điều hòa
Liên quan đến vấn đề đường gom đại lộ Thăng Long hễ mưa lớn là ngập, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, khoảng chục năm trước khi các khu đô thị chưa mọc lên, địa bàn huyện Hoài Đức không bị ngập sâu như hiện tại. Theo ông Trường, hiện nay các KĐT mới xung quanh như: KĐT Bảo Sơn; khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco, khu đường gom Láng – Hòa Lạc,… mỗi khi mưa xuống nước đều đổ dồn không tiêu thoát kịp nên xảy ra ngập úng nghiêm trọng.
“Do quy hoạch hạ tầng thoát nước của khu vực này không đồng bộ. Các dự án xây dựng các KĐT đều được triển khai từ thời điểm trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Do vậy, đến khi điều chỉnh lại quy hoạch, quy hoạch phân khu thì giữa quy hoạch mới và quy hoạch cũ có sự “đá” nhau về các mạng hệ thống thoát nước, có những hạng mục về hạ tầng ở khu vực này chậm triển khai. Chủ đầu tư các KĐT chỉ chăm lo xây nhà, chia lô bán nền mà không xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ khiến cứ mưa là ngập nghiêm trọng”, ông Trường nói và cho rằng, theo quy hoạch, chủ đầu tư khi xây khu đô thị phải xây dựng hồ điều hòa, hệ thống xử lý thoát nước mưa nhưng đều chưa được họ triển khai nên nước mưa không có đường thoát.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, nhiều công trình xây dựng dang dở làm ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của các công trình tiêu, thoát nước trên địa bàn thành phố. Các khu đô thị chủ yếu tính toán việc xây dựng nhà ở mà chưa tính đến việc chăm lo cho cư dân sau khi mua nhà sẽ đối diện với nắng mưa như thế nào. Vì thế, hiện nay, điểm chung của các khu đô thị là đều chưa xây hồ điều hòa chống ngập.
Theo Baogiaothong