Từ năm 2030, TP.HCM có thể cấm xe máy vào trung tâm

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:47, 20/02/2019

Sắp tới, Ủy ban MTTQVN TPHCM sẽ tổ chức phản biện đề án này trước khi trình Thường trực Thành ủy TPHCM và HĐND TPHCM thông qua.

– Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TPHCM”.

>>> TP.HCM: Chuyên gia cảnh báo nên hạn chế ra đường lúc 10-16 giờ hàng ngày

>>> Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức hoạt động từ tháng 4/2019

Đề án do Sở GTVT TPHCM đặt hàng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố.

Đề án nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố đảm nhận 15 – 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 – 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 – 36,8%.

Đề án đưa ra tới 36 giải pháp được sắp xếp theo các nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.

Theo Sở GTVT TPHCM, các nhóm giải pháp được đề xuất theo nguyên tắc “kéo – đẩy”, tức là kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh hành khách tham gia phương tiện công cộng, đảm bảo hai nhóm giải pháp có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.

Nếu đề án được thông qua, TPHCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt dộng xe môtô và xe gắn máy 2 – 3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10…) vào giai đoạn 2025 – 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500m.

Cùng với việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy, TPHCM sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố thông qua việc bổ sung phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí là cơ sở thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến, để thực hiện đề án, nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khoảng 52.550 tỉ đồng.

Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA sẽ phát triển các tuyến vận tải hành hành khách khối lượng lớn, hệ thống thu phí ôtô các nhân vào trung tâm,… khoảng 323.000 tỉ đồng.

Trước đó, Đề án 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua cũng đưa lộ trình từ năm 2017 – 2030, sẽ từng bước hạn chế hoạt động một số phương tiện trong một số khu vực và từ năm 2030 cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.

Báo cáo sau 1 năm thực hiện đề án hạn chế hoạt động của xe máy, đại diện liên ngành Hà Nội cho biết trước mắt đơn vị lựa chọn những khu vực đã và sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ để triển khai. Cụ thể, đồng bộ về hạ tầng ngoài đường sá được đầu tư nâng cấp, mở rộng, còn có hệ thống VTHKCC phát triển, kết nối thông suốt.

Hiện VTHKCC trên địa bàn Hà Nội hầu hết mới chỉ có xe buýt, nhưng khi bắt đầu dừng hoạt động xe máy sẽ phải có các loại hình khác nhau để người dân lựa chọn, thuận tiện trong đi lại. Với xe buýt, tại khu vực dừng hoạt động xe máy, ngoài bố trí xe buýt phù hợp cho từng loại khổ đường để đi vào, các điểm dừng, đón trả khách cũng được UBND TP.Hà Nội thống nhất mục tiêu khi bỏ xe máy người dân chỉ cần đi 500 m phải có một điểm dừng, đón. Đơn vị tư vấn đang tham mưu cho Hà Nội thực hiện trước việc phân vùng để hạn chế hoạt động của xe máy tại các quận trung tâm, đến năm 2030 sẽ thực hiện đồng bộ tại tất cả các quận.

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)