Tiếp tục kêu gọi hủy dự án đập thủy điện Sanakham trên sông Mekong
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:00, 28/11/2020
Áp lực đang tiếp tục gia tăng ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện kép gồm hội nghị lần thứ 27 của Ủy hội sông Mekong (MRC) hội nghị lần thứ 25 của Nhóm Tư vấn Đối tác Phát triển, quy tụ các bộ trưởng từ Campuchia, Lào, Việt Nam và các đối tác từ EU, Australia, New Zealand và Mỹ.
Hai sự kiện này đều tổ chức trực tuyến hôm nay (27/11) do chính phủ Lào chủ trì với chủ đề trọng tâm là phác thảo kế hoạch phát triển 10 năm dọc sông Mekong. Tuy nhiên theo giới quan sát, sức nóng ở bên ngoài đặc biệt là người cộng đồng dân sự Thái Lan tiếp tục gây sức ép lên chính phủ yêu cầu từ chối mua điện từ dự án thủy đện Sanakham, do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng vừa khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2028.
Thiết kế đập Sanakham tại Lào
Đập thủy điện Sanakham có công suất lắp đặt 684MW, ước tính tiêu tốn hơn 2 tỷ USD và xây dựng trong 8 năm. Trong thời gian này, trung bình đập này sẽ bổ sung thêm 90MW mỗi năm. Điều này kém hiệu quả hơn so với việc tăng cường các dự án năng lượng bền vững vốn đang được triển khai trong khu vực (đơn cử, từ tháng 4-7/2019, Việt Nam đã sản xuất thêm 4.400MW điện từ năng lượng mặt trời, gấp 6 lần công suất lắp đặt của đập Sanakham.
Dự kiến hầu hết nguồn điện tạo ra từ đập Sanakham được xuất khẩu sang Thái Lan. Tuy nhiên, lượng thặng dư điện của Thái Lan hiện tại lớn, thậm chí còn tăng nhiều hơn khi nền kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đại dịch cũng cho thấy giá trị quan trọng của đất canh tác, rừng, sông, đầm lầy và vùng đánh bắt thủy sản khu vực sông Mekong như một mạng lưới an sinh trong thời kỳ khủng hoảng.
Việc người dân địa phương tiếp tục tiếp cận các dòng sông và tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng để đảm bảo một sự phục hồi lành mạnh và công bằng hơn hậu COVID-19. Mặc dù đập Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mekong, cách biên giới Thái Lan – Lào khoảng 2km về phía thượng lưu nhưng không có các đánh giá cẩn trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này.
Trước đó, MRC đã chính thức khởi động giai đoạn tham vấn trước 6 tháng về dự án đập Sanakham do Trung Quốc hậu thuẫn vào ngày 30/7. Tuy nhiên dự án đập thủy điện 684 MW này vẫn được công ty con Datang International Power Generation (thuộc tập đoàn điện lực Trung Quốc) khởi công và trở thành dự án thứ bảy trên dòng chính sông Mekong ở Lào.
Theo mạng lưới Save the Mekong (Liên minh Cứu sông Mekong), mặc dù đập thủy điện Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mekong, nhưng không có các nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này.
Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với hệ thống hàng loạt các dự án thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong đã khiến cho dòng chảy và mực nước lên xuống khó lường, từ đó gây ra những tác động ngược cho vùng hạ lưu. Ngoài ra hầu hết các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của dự án đập Sanakham đều lỗi thời và sao chép y chang nội dung từ dự án đập Pak Lay trước đó.
Các tổ chức phi chính phủ tại Thái Lan, như Save the Mekong và Mạng lưới Nhân dân của lưu vực sông Mekong hiện cũng gây sức ép và chỉ trích việc xây dựng đập Sanakham vì lo ngại những tác động tiêu cực về môi trường cũng như hạn hán nghiêm trọng tái lặp.
Ngọc Anh