Chủ nhà trọ xin đừng "tát nước theo mưa"
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 13:00, 20/04/2019
– Trải qua thời gian ngắn được hưởng giá mua điện ưu đãi chưa lâu, người thuê nhà trọ là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo chưa kịp mừng đã ngay tức thì vội lo lắng. Mới đây, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã chính thức tăng giá bán điện lên thêm 8,36% so với mức giá bán điện cũ.
>>>Để Mặt Trời “đồng hành” ứng phó biến đổi khí hậu
>>>Cảnh báo: Hè 2019 đến sớm và nắng nóng cũng gay gắt hơn
Thế nhưng, điều đáng nói là khi giá điện tăng,kéo theo giá nước, giá nhà cũng lên theo… Mỗi đợt Nhà nước tăng giá điện thường chỉ dao động ở mức từ 5-9,5% so với mức giá bán điện trước đó, nghĩa là mức tăng không quá lớn!
Thực tế, mức tăng giá điện được điều chỉnh mới nhất là 8,36% sẽ không tác động nhiều đối với hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt. Những hộ sử dụng dưới 50kWh/tháng sẽ chỉ phải trả phụ trội thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh/tháng thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77 nghìn đồng… so với mức giá bán điện cũ!
Mỗi lần giá điện của Nhà nước tăng, chủ cho thuê phòng trọ cũng tự ý tăng giá điện đến mức cắt cổ
Theo biểu đồ thống kê như vậy, người thuê trọ phải trả phụ trội tiền tiện so với mức giá bán cũ là không nhiều. Các phòng trọ của sinh viên, công nhân, người lao động nghèo… thường chỉ sử dụng mỗi tháng mấy chục kWh cho tới một, vài trăm kWh. Nhưng như đã nói, mỗi lần Nhà nước tăng giá điện thì thường các chủ nhà trọ luôn nhân cơ hội “tát nước theo mưa” đẩy giá điện lên cao theo ý mình.
Ví dụ, mỗi kWh theo lộ trình sẽ tăng thêm khoảng hơn 100 đồng, nhưng người thuê trọ sẽ phải “gánh” sức nặng của giá điện mới từ chủ trọ lên tới 500 đồng, thậm chí 1.000 đồng/kWh. Có nhiều khu trọ vừa mới nhận thông tin điện tăng giá đã dự kiến sẽ nâng mức bán điện cho người thuê từ 3.000 đồng/kWh lên 3.500 đồng/kWh.
Với các khu trọ phải chịu mức giá điện cắt cổ là 3.500 đồng sẽ lên thêm 500 đồng/kWh, nghĩa là người thuê phải gánh giá điện 4.000 đồng/kWh…
Tăng thêm 500 dồng/kWh đối với người thuê thì nhiều chủ trọ sẽ lãi đậm. Bởi chúng ta biết rằng tiền phụ trội so với giá điện cũ mà họ trả cho Nhà nước chỉ là khoảng trung bình 8,36%, trong khi họ thu giá bán điện của người thuê tăng lên thêm mấy chục % so với giá bán điện cũ.
Lấy một ví dụ thế này để thấy rằng tiền điện mà chủ nhà tăng 500 đồng/kWh cũng gây thêm nặng gánh, thêm nỗi lo cho người thuê. 1 phòng sinh viên 4 người, bình thường với giá điện cũ chủ thu là 3.000 đồng/kWh, mỗi tháng phòng trọ này tiêu dùng trung bình 150 kWh, hết 450.000 đồng; nay với mức giá điện mới là 3.500 đồng, tức là mỗi tháng phòng trọ sinh viên kia phải “gánh” thêm 75.000 đồng tiền điện. Trong khi mức phụ trội tăng giá của Nhà nước ở mức tiêu dùng điện từ 100-200 kWh chỉ là 31.000 đồng…
Theo tính toán thì từ bấy lâu nay giá điện mà các chủ trọ thường thu của người thuê ở hầu hết các tỉnh thành phổ biến ở mức từ 2.500 đồng/kWh- 3.000 đồng/kWh đã là có lãi. Vì vậy, nếu điều chỉnh giá điện của Nhà nước thêm 8,36%, những người cho thuê phòng trọ không tăng giá điện của người thuê phòng cũng không lỗ, thậm chí có người còn thu thêm một khoản tiền khá lớn.
Qua đây mong muốn của người thuê trọ nói chung là các chủ cho thuê phòng trọ đừng “tát nước theo mưa”, đừng tạo thêm nỗi lo, thêm phần nặng gánh trong cuộc sống vất vả của người nghèo, vốn vẫn luôn thiếu trước hụt sau…
Nguyễn Thị Loan