Biến tướng tục cúng cô hồn
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 04:00, 09/08/2019
Cúng cô hồn (hay cúng vong linh) là một hoạt động tâm linh tương đối phổ biến tại Việt Nam với việc thực hiện các nghi thức cúng tế cho các cô hồn. Theo Tín ngưỡng cổ truyền của người xưa tin rằng con người có hai phần: hồn và xác. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Hồn có thể về trời, hoặc đầu thai kiếp khác (làm người hoặc vật), hoặc bị đày xuống địa ngục tùy theo những điều lành hay dữ mà người đó làm khi còn sống. Tuy nhiên, dân gian cũng tin rằng, nếu một người bị chết oan hoặc do tác động của những nghiệp xấu, các cô hồn không (hoặc chưa) được cõi nào tiếp nhận, phải lang thang và chịu đói rét, hoặc quấy rối người sống.
Vì tin có linh hồn nên đa số người Việt Nam giữ tục lệ thờ cúng tổ tiên và người thân đã qua đời, kể cả khi việc thờ cúng này không phù hợp với giáo lý của tôn giáo mà họ theo. Cúng cô hồn có thể là một hành vi mang tính nhân đạo, để “cứu giúp” những linh hồn khốn khổ.
Nhưng đồng thời, cúng cô hồn cũng có thể là một hình thức “hối lộ” để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ “hỗ trợ”. Cứ vào mồng 2 và 16 Âm lịch mỗi tháng, những người kinh doanh thường mang mâm lễ vật ra trước nhà cúng cô hồn. Đặc biệt là vào tháng 7 Âm lịch, hoạt động này diễn ra xuyên suốt cả tháng trời (nhưng cúng rất nhiều vào ngày 16). Cũng từ việc này đã dẫn đến những biến tướng, hệ lụy đau lòng.
Lụm cô hồn, một trong nhiều niềm vui trẻ con ngày trước
Nếu như trước đây, cúng cô hồn là nét văn hóa đẹp đẽ biết bao nhiêu thì những năm trở lại đây bát nháo bấy nhiêu. Cúng cô hồn bây giờ không đơn thuần là những người đứa trẻ xóm xúm xít lại tranh những chiếc bánh, cây kẹo hoặc chút ít tiền lẻ. Biết được nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ thường cúng cô hồn heo quay, vịt quay, nhiều thanh thiếu niên (nhất là những trẻ bụi đời, thiếu sự giáo dục từ gia đình) tụ họp lại thành một nhóm có thủ lĩnh rồi kéo nhau đi khắp nơi giành giật đồ cúng. Bọn trẻ mang theo nhiều bao đựng bánh trái, đồ ăn, và kể cả hộp đựng tiền. Có một nhóm ắt hẳn sẽ xuất hiện hai, ba, bốn nhóm… cạnh tranh, vì thế mà đã xảy ra những cảnh đánh nhau để “khẳng định vị trí”. Nhiều tiểu thương cúng heo quay, nhưng khi mới bê ra chưa kịp cúng là cả nhóm lao vào giành giật. Tất nhiên, theo quan niệm của dân buôn bán thì hành động đó được xem là đem lại điềm mua may bán đắt, vì cô hồn giành giật đồ cúng trong tích tắc. Nhưng cũng có vài gia đình khó tính, muốn giữ lại để dùng hoặc cho một ai đó nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, ẩu đả, xô xát là điều không tránh khỏi. Nhiều cái chết thương tâm, hoặc nhập viện cấp cứu cũng từ giành giật đồ cúng mà ra.
Nhiều biến tướng đã xảy ra ở tục cúng cô hồn mấy năm gần đây
Có nhiều nhóm xấu, lợi dụng những cá nhân đang tranh giật tiền mà gia chủ rải ra đường, chúng lao vào đè lên nhau để móc túi, móc ví, bấm nữ trang… Thành ra, nhiều khi đi nhặt tiền “được thì ít mà mất lại nhiều hơn”. Những hình ảnh đó đã làm mất đi nét văn hóa truyền thống của người Việt từ xưa.
Tất nhiên việc cúng cô hồn mang tính tâm linh, nên chúng ta không bàn đến chuyện bỏ hay giữ. Bởi theo quan niệm của người xưa “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chỉ mong rằng người cúng cũng như người giật hết sức cẩn thận, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Cần biết, đây là một nét văn hóa, không phải tính chất kinh doanh hay cướp giật nên giành giật trong ôn hòa. Nếu thấy sự xuất hiện của băng nhóm thanh thiếu niên đi giật đồ cúng, những cá nhân nên tránh xa kẻo rước họa vào thân.
Trần Thái Học