Quảng cáo, rao vặt “tín dụng đen” tấn công hẻm phố

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 08:00, 19/08/2019

Moitruong.net.vn – Quảng cáo cho vay “hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp” có “chiêu bài” mới, những đối tượng dán quảng cáo thường hoạt động vào ban đêm, tối muộn nên rất khó bắt tận tay và thường dán rất chặt khiến người dân “méo mặt” để gỡ bỏ.

Tại nhiều con hẻm trên địa bàn quận 9, quận 2, quận Thủ Đức, Bình Thạnh,… TP. Hồ Chí Minh xuất hiện rất dày đặc các tờ rơi quảng cáo hoạt động cho vay… tín dụng đen, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là những cái bẫy vay nặng lãi khó lường. Quảng cáo, rao vặt mời chào mọi người vay tiền với “lãi suất thấp” xuất hiện khắp các cột điện, bờ tường nhà dân, dãy trọ của sinh viên, công nhân, người lao động nghèo, dịch vụ tín dụng đen còn “tiếp thị” tận nơi, khi mà các tờ rơi quảng cáo được dán kín trên cả các cánh cửa sổ, cửa chính của mỗi căn phòng.

Đầu năm 2019 các cơ quan chức năng đã có cuộc truy quét mạnh mẽ các tổ chức cho vay nặng lãi, nên tạm im ắng một thời gian thì nay thay vì xuất hiện tại các trụ điện, bờ tường, trạm buýt…, tại các con đường lớn như trước kia, thời gian gần đây tờ rơi, quảng cáo cho vay “hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp” có “chiêu bài” mới, những đối tượng dán quảng cáo thường hoạt động vào ban đêm, tối muộn nên rất khó bắt tận tay và thường dán rất chặt khiến người dân “méo mặt” để gỡ bỏ.

Những quảng cáo của các cơ sở cho vay trên bờ tường trong một con ngõ. Ảnh Đặng Đức

Ngày 5/5, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, nhiều lỗi vi phạm liên quan đến quảng cáo rao vặt sẽ bị tăng nặng mức xử phạt: Sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Đáng chú ý, cũng theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, đồng thời với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo vi phạm liên quan tới hành vi trên còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Việc các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ trong những năm gần đây đã hoành hành không chỉ tại các thành phố, mà ở nhiều vùng quê, người dân nghèo trót vay với lãi xuất cao “lãi mẹ đẻ lãi con” trả hoài trả mãi mà không hết lãi chứ đừng nói tới gốc. Thực tế, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, truy bắt các tổ chức, cá nhân hoạt động cho vay tiền nặng lãi, thế nhưng loại hình tín dụng đen vẫn không bị triệt phá hẳn, mà nó vẫn lộng hành như “vòi bạch tuộc” vươn dài, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, xã hội….

Đủ loại quảng cáo cho vay được dán khắp nơi. Ảnh Đặng Đức

Để người dân ít biết tới cũng như khó tiếp cận với các tổ chức cá nhân cho vay nặng lãi. Trước tiên, chính quyền các địa phương cần phải ngăn chặn việc treo dán quảng cáo loại hình dịch vụ cho vay này. Không thể để cho loại rác quảng cáo “nguy hiểm” ngập tràn hẻm phố, khu dân cư, bởi nó không chỉ làm nhếch nhác mất mỹ quan đô thị, mà một khi người dân dễ tiếp cận tín dụng đen, nó gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, hình thành một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người dân.

Vì vậy, trước khi đợi các cơ quan chức năng vào cuộc truy quét và xử lý tình trạng tiếp thị, treo dán quảng cáo bừa bãi, thì người dân tại các ngõ, hẻm phố, khu dân cư…, khi thấy sự xuất hiện của loại “rác tín dụng đen” độc hại thì bóc, gỡ những quảng cáo nhem nhuốc nơi sinh sống để phòng ngừa những hệ lụy.

Đặng Đức

Đặng Đức