Indonesia: Ngôi làng nghèo Bangun xem rác thải như kho báu

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 03:30, 22/08/2019

Moitruong.net.vn Đối với Quốc gia, rác thải là thứ cần vứt đi, nhưng với những người dân nghèo tại Bangun (Indonesia), rác được coi là tài nguyên quý giá.

Đối với một số người, rác thải đơn giản là những thứ cần vứt đi. Tuy nhiên với những người dân ở Bangun (Indonesia), rác thải lại trở thành một nguồn thu bất ngờ khi có thể bán lại cho các nhà máy.

Trong nhiều năm gần đây, gần 70% dân làng Bangun đã không ngại nắng nóng gay gắt, nhúng chân sâu vào các bãi rác để thu gom, phân loại, và bán lại chai, giấy gói, cốc nhựa cho những công ty địa phương.

Keman giữa “biển” rác ở làng Bangun. Ảnh: AFP.

Bao quanh bởi những núi chất thải, Pumisna dùng đôi bàn tay đầy bụi bẩn để phân loại những mảnh nhôm, chai nhựa. Công việc này đem lại Pumisna vài USD mỗi ngày, nhưng có lúc cô kiếm được những tờ tiền USD, euro, hay bảng Anh nhàu nát bị lẫn vào đống rác.

“Tôi đang kiếm tiền để sắm sửa, mua thức ăn và trả học phí cho con mình”, Pumisna vừa chia sẻ, vừa ngồi dưới hiên nhà dột nát và chia rác vào các thùng container.

Lãnh đạo địa phương, ông Ikhsan, phủ nhận việc ngành công nghiệp rác của ngôi làng đang ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ rằng những loại rác không thể tái chế sẽ được chuyển đến các xưởng chế biến đậu phụ gần đó để làm chất đốt.

“Những núi rác đem đến lợi nhuận vô cùng lớn cho người dân chúng tôi và giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương”, Ikhsan nhận định.

Ngược lại với bức tranh kinh tế tươi sáng, các nhà hoạt động môi trường đã vẽ ra một viễn cảnh khác. Theo đó, rác nhựa không thể tái chế sẽ được các nhà máy đốt vào ban đêm, thổi làn khói độc đi khắp ngôi làng. Trong khi đó, những mảnh nhựa siêu nhỏ sẽ lẫn vào nguồn nước sinh hoạt của người dân, gây hại đến sức khỏe.

Theo tổ chức Greenpeace, tình hình tại Indonesia đang “tồi tệ hơn” bởi ảnh hưởng xấu của rác thải đến môi trường và sức khỏe người dân.

Indonesia là quốc gia gây ô nhiễm biển lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nước này đã cam kết sẽ giảm 70% nguồn rác thải đổ ra biển vào năm 2025.

Tuy nhiên khi trở thành kế sinh nhai cho nhiều người, cuộc sống của họ lại trở nên nguy hiểm khi sức khỏe và môi trường sống dần bị hủy hoại.

Những nhà hoạt động môi trường cho rằng hoạt động khai thác rác thải nhựa đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân địa phương. Ảnh: Channel NewsAsia.

Một số địa phương khác của quốc gia này tập trung hơn vào chất thải nhựa. Hành khách có thể sử dụng nhựa có thể tái chế để đổi lấy vé xe bus miễn phí ở Surabaya, thành phố lớn thứ 2 Indonesia. Đảo Bali, điểm nóng du lịch quốc gia, đã ban hành lệnh cấm sử dụng loại nhựa không thể tái chế.

Nhưng quan điểm của dân làng Bangun thì hoàn toàn ngược lại. “Rác là kho báu tại đây”, Keman nói.

Ngọc Ánh (t/h)

Ngọc Ánh (t/h)