Huế: Bèo lục bình, mối hiểm họa tiềm ẩn cho môi trường đô thị thành phố
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 04:05, 13/09/2019
Hiện nay, bèo lục bình xuất hiện nhiều trên các kênh thuộc hệ thống lưu vực các sông, kênh trên địa bàn TP Huế. Thời gian qua, thời tiết thuận lợi, bèo lục bình phát triển mạnh, rất khó kiểm soát. Việc bèo lục bình phát triển không những cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông đường thủy mà còn gây ô nhiễm khi bèo lục bình thối rữa ô nhiễm nguồi nước, mất mỹ quan đô thị.
Bèo lục bình xuất hiện nhiều trên sông Hương đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh của người dân hành nghề chài lưới trên sông. Bên cạnh đó hoạt động giao thông đường thủy trên sông Hương cũng ảnh hưởng.
Bèo lục bình vây kín các thuyền rồng
Trước tình trạng đó, Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Huế đã huy động công nhân cùng các phương tiện tiến hành vớt bèo lục bình trên các sông, kênh tại địa bàn TP Huế nhằm không cho bèo lây lan, làm giảm bớt số lượng bèo lục bình ngăn cản dòng chảy, ngăn chặn tình trạng mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường trên các con sông, kênh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, vẫn tồng động một số kênh, rạch tại TP Huế vẫn còn bao phủ bởi bèo lục bình đã thời gian dài, nhưng vẫn chưa tiến hành xử lý, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước những kênh, rạch này là rất cao.
Trước đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 3385/UBND-NN về việc xử lý tình trạng bèo lục bình lây lan trên diện rộng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, lập kế hoạch và lên phương án trục vớt bèo trên các sông, hồ, kênh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên báo cáo lên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế kết quả thực hiện nội dung trên.
Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Huế, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” để tổ chức vớt bèo trên các sông, kênh. Đặc biệt, ngăn chặn tình trạng bèo trôi ra sông Hương một cách có hiệu quả.
Với số lượng lớn cây lục bình dày đặc bao phủ khiến cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông đường thủy, các mảng lục bình khi thối rữa còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước. Những mảng lục bình lớn, kết hợp với rác thải trở nên đặc quánh làm mất chức năng lưu thông dòng chảy của hệ thống sông, kênh bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Và đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng thoát nước, giảm ngập của thành phố không thể phát huy hiệu quả.
Ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài kết hợp với dòng nước không lưu thông được do bèo lục bình tấn công, khiến cá nuôi lồng trên sông Đại Giang của hàng chục hộ dân thôn Hòa Phong (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường.
Bèo lục bình vây kín thuyền rồng, thuyền đánh cá giữa cầu Tràng Tiền – cầu Phú Xuân
Được biết, bèo lục bình hay còn gọi là (bèo tây), loài cây này có xuất xứ từ Châu Mỹ và được du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1905, có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Tuy cây lục bình có tác dụng khử trừ ô nhiễm môi trường do nó có khả năng hấp thụ những kim loại nặng như chì, thủy ngân nhưng với số lượng lớn thì nó chính là mối hiểm họa tiềm ẩn cho môi trường đô thị thành phố.
Hoàng Linh (T/h)