Nhiều tỉnh miền Tây khuyến cáo trữ nước ngọt, chủ động ứng phó hạn mặn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 19/02/2021
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1 – 0,3 m. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ nửa cuối tháng 1/2021.
Trước những dự báo về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô 2021, Trung tâm Dự báo KTTV khuyến cáo nguy cơ thiếu nước ở các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt ở vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
“Tại khu vực Nam Bộ, từ tháng 1 – 3/2021 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm với tổng lượng mưa tháng phổ biến 20 – 50 mm. Tháng 4/2021, tổng lượng mưa cao hơn từ 20 – 35% so với hơn trung bình nhiều năm. Tháng 5/2021, tổng lượng mưa xấp xỉ so với hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ”, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
Tranh thủ thời gian nước trên sông còn ngọt, người dân Bến Tre đã chủ động trữ nước để phục vụ tưới tiêu trong thời gian xâm nhập mặn xảy ra – Ảnh: Mậu Trường
Ngày 17-2, ông Đặng Hoàng Lam – phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre – cho biết theo dự báo, những ngày tới độ mặn 4 phần ngàn trên các nhánh sông chính có giảm nhẹ và bắt đầu tăng trở lại từ ngày 20-2.
Cụ thể, trên sông cửa Đại độ mặn 4 phần ngàn sẽ lấn sâu vào 41km tính từ cửa sông; trên sông Hàm Luông độ mặn 4 phần ngàn lấn sâu vào 56km và trên sông Cổ Chiên vào sâu 49km.
Độ mặn 1 phần ngàn lấn sâu nhất diễn ra trên sông Cổ Chiên với 70km đến xã Tiên Long (huyện Châu Thành) và xã Long Thới (huyện Chợ Lách).
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đưa ra khuyến cáo các địa phương cần chủ động kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối để có kế hoạch đóng mở cống phù hợp. người dân kiểm tra độ mặn, chủ động trữ nước ngọt khi tình hình mặn còn thấp.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang tính đến nay 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt gồm Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Việc đắp các đập thép nhằm đảm bảo ngăn mặn lấn vào nội đồng của dự án Bảo Định và vùng phía tây của tỉnh.
Trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra nhanh, cống Cái Bé đang thi công nhưng đã cho vận hành tạm để phục vụ việc ngăn mặn ở Kiên Giang, Hậu Giang – Ảnh: Chí Quốc
Cùng ngày, theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, tỉnh vừa trải qua đợt xâm nhập mặn sâu nhất vào hai ngày giữa tháng 2. Theo đó, trên sông Vàm Cỏ Đông độ mặn 1 phần ngàn vào sâu cách sông Soài Rạp khoảng 88km và độ mặn 4 phần ngàn cách sông Soài Rạp khoảng 28km.
Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1 phần ngàn cách cửa sông Soài Rạp khoảng 70km, độ mặn 4 phần ngàn cách cửa sông Soài Rạp khoảng 50km. Việc xâm nhập mặn này giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vài ngày tới bước vào hạ tuần tháng 2, khả năng độ mặn tiếp tục giảm do ảnh hưởng kỳ triều cường kém cùng việc giảm xả thủy điện từ phía thượng nguồn sông Mekong.
Do đó, ngành thủy lợi tỉnh Long An khuyến nghị cơ quan chức năng theo dõi diễn biến độ mặn thường xuyên, xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, tranh thủ tích trữ đủ nước vào các kênh, rạch khi độ mặn giảm.
Đồng thời kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập bên trong nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô tới.
Cống Lình Huỳnh ở Kiên Giang đã đóng lại để bảo vệ vùng tứ giác Long Xuyên – Ảnh: Khoa Nam
Cùng ngày, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết dự báo có 2 đợt mặn xâm nhập sâu nhất trên địa bàn tỉnh này từ ngày 8 đến 16-2 và từ ngày 24 đến 28-2. Ranh mặn nồng độ 0,4 phần ngàn vào sâu trên sông Cái Lớn 50 – 55km qua địa bàn tỉnh Hậu Giang ở mức tương đương năm 2016.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp vận hành toàn bộ hệ thống cống, đập ngăn mặn trên địa bàn gồm 72 cống (kể cả 2 cống lớn trên sông Cái Bé, Cái Lớn cũng đã vận hành tạm), 133 đập (kể cả đắp mới và gia cố đập cũ).
Ngoài ra, Kiên Giang cũng có tờ trình đề nghị trung ương hỗ trợ gấp gần 170 tỉ đồng để gia cố các đập còn lại.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang – cho biết mục tiêu đặt ra là phải vừa đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng lúa, giữ độ mặn phù hợp cho vùng luân canh tôm – lúa (vùng U Minh Thượng và một phần vùng tây Sông Hậu), đồng thời đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân TP Rạch Giá và phụ cận.
“Ngay trong những ngày nghỉ Tết, tổ công tác ứng phó hạn mặn của chúng tôi vẫn liên tục kiểm tra độ mặn và theo dõi mực nước biển xâm nhập tại các đầu nguồn trên địa bàn, không một phút nào lơ là”, ông Trung nói.
Tại Bạc Liêu, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này cũng cho biết để ứng phó xâm nhập mặn và hạn hán ngay sau tết, địa phương tiếp tục huy động vốn xây các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân, đồng thời hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm…
Thùy Trang (T/h)