Chất lượng không khí Hà Nội tốt lên sau cơn mưa ‘vàng’
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 07:00, 14/10/2019
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí (CLKK) trên địa bàn TP trong tuần này đã được cải thiện đáng kể so với các tuần trước đó, đa số các ngày trong tuần AQI ở mức “Trung bình” (màu vàng).
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần qua xuất hiện rất ít ngày có AQI ở mức Kém. Cụ thể, trạm Trung Yên 3 và trạm Mỹ Đình là hai trạm xuất hiện AQI ở mức kém, cùng chiếm 14,3%, số ngày có AQI ở mức “Tốt” của hai trạm lần lượt là 14.3% và 28.6%, còn lại ở mức “Trung bình”. Cả 3 trạm Kim Liên, Tân Mai và Tây Mỗ có số ngày AQI đạt mức “Tốt” cùng chiếm 42.9%, còn lại là “Trung bình”.
Ảnh minh họa
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, hai trạm tiếp tục có xu hướng tương tự nhau, trạm Minh Khai và trạm Phạm Văn Đồng không có ngày AQI đạt mức “Tốt”.
Số ngày AQI chạm mức “Kém” tại cả 2 trạm cùng chiếm 28.6%, còn lại ở mức “Trung bình”. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất trong tuần tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 122 và 117.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này giữa ba trạm tương đối khác nhau. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm là trạm có CLKK tốt nhất với 2 ngày có AQI đạt mức “Tốt” chiếm 28,6% và không có ngày nào có AQI ở mức “Kém”.
2 trạm còn lại không có ngày nào AQI đạt mức “Tốt”, số ngày có AQI ở mức “Kém” lần lượt chiếm 28.6% và 14.3%, còn lại ở mức “Trung bình”.
Có thể thấy, điều kiện thời tiết đã tác động rất lớn đến việc cải thiện CLKK trong tuần này. Việc xuất hiện những cơn mưa rào trong thời gian dài trong ngày cũng như sự chênh lệch nền nhiệt ngày đêm không cao ở thời điểm đầu tuần đã khiến khói bụi và các chất gây ô nhiễm được phát tán, rửa trôi khiến cho chất lượng không khí đạt mức “Tốt” và “Trung bình” là chủ yếu.
Tuy nhiên, để chủ động trong việc cải thiện chất lượng không khí trở nên tốt hơn, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.
Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông…
Hà An (T/h)