TP. Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 26/01/2021

Moitruong.net.vn – Việc kiểm soát chất lượng nước hiện áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi nguồn nước biến động và chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng nước ngày càng cao của người dân TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), 94% nguồn nước thô được khai thác trực tiếp tại lưu vực sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn, sau đó xử lý để cung cấp gần 2 triệu m3 nước/ngày đêm cho người dân toàn TP.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nước hiện áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi nguồn nước biến động và chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng nước ngày càng cao của người dân TP.

Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, cùng với mục tiêu phải nâng cao chất lượng nước, ngành nước TP HCM đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ sinh học, đưa công nghệ mới vào khử trùng. Cụ thể, năm 2021, ngành nước sẽ tập trung nâng chất lượng nước tại Nhà máy Nước Tân Hiệp (lấy nước thô từ sông Sài Gòn, ô nhiễm hơn sông Ðồng Nai), theo đó, song song xử lý hóa lý, sẽ bổ sung công nghệ vi sinh để loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước, giảm lượng hóa chất để xử lý nước. Ðặc biệt đến năm 2025, ngành nước sẽ ứng dụng các giải pháp khử trùng khác như dùng tia UV, ô-zôn thay cho châm clo tại các nhà máy nước. Với công nghệ này, theo ông Thạch, ngoài cân đối chi phí đầu tư, các nhà máy nước cần phải có mặt bằng để bố trí cũng như cần phải điều chỉnh lại dòng chảy thủy lực trong nhà máy xử lý nước để bảo đảm an toàn khi bổ sung thêm các công trình.

Theo tính toán của SAWACO, tổng công suất cấp nước trong 10 năm tới khoảng 3,6 triệu m3/ ngày đêm, từ năm 2030 – 2050, hệ thống cần bổ sung nguồn cung cấp khoảng 2,4 triệu m3/ ngày đêm. Ðể nguồn nước bảo đảm an toàn, an ninh, đại diện SAWACO cho biết sắp tới sẽ tính toán di dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn nhằm hạn chế tối đa nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.

Ðặc biệt, đại diện SAWACO cho hay sẽ xây dựng các hồ, cụm hồ dự trữ nước thô, hạn chế rủi ro bởi xâm nhập mặn và ô nhiễm. “TP HCM dự kiến xây dựng cụm hồ chứa nước thô trên sông Sài Gòn với dung tích khoảng 10 triệu m3, tổng diện tích khoảng 200 ha và đầu tư trạm bơm nước thô với công suất khoảng 1 triệu m3/ngày đêm” – đại diện SAWACO thông tin. Riêng để bảo đảm an toàn cấp nước cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, sẽ có 5 – 6 bể chứa nước sạch được xây dựng trong nội thành, vị trí đặt tại Nhà máy Nước Tân Bình, Công viên Phú Lâm, Công viên Văn hóa Gò Vấp, Thảo Cầm Viên, đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Thông tin thêm, ông Trần Kim Thạch – Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của SAWACO cho hay ngành nước đang xin cho thí điểm dự án xây dựng bể chứa nước sạch tại Công viên Văn hóa Gò Vấp với diện tích khoảng 3,5 ha, dung tích khoảng 100.000 m3. Nếu mọi thủ tục suôn sẻ, bể chứa đưa vào vận hành sẽ bảo đảm ổn định áp lực và lưu lượng nước cho khu vực quận Gò Vấp, quận 12, một phần các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh.

Ngoài các bể chứa nước, theo ông Trần Kim Thạch, đến năm 2025, TP dự kiến sẽ xây thêm 2 nhà máy nước ở 2 hướng Ðông và Tây. Cụ thể, nhà máy nước phía Ðông TP sẽ đặt ở TP Thủ Ðức; nhà máy này có công suất 500.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước sông Ðồng Nai, hồ Trị An, dự kiến hoạt động năm 2040.

Nhà máy nước phía Tây TP sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, đặt tại huyện Hóc Môn hoặc huyện Bình Chánh; dự kiến đạt công suất 500.000 m3/ngày đêm vào năm 2040, đến năm 2050 đạt 2 triệu m3/ngày đêm.

Mai Anh

Mai Anh