Triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài nguyên nước năm 2021
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:30, 19/01/2021
Báo cáo về kết quả nổi bật của lĩnh vực tài nguyên nước trong giai đoạn 2016-2020, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, đến nay, hệ thống Quy phạm pháp luật về tài nguyên nước là tương đối hoàn thiện và đồng bộ. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành 45 văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước (11 Nghị định của Chính phủ, 34 Thông tư của Bộ trưởng).
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, đã ban hành được 04 Nghị định, 19 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng. Cùng với đó, Bộ TN&MT đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa góp phần giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho mùa cạn; kịp thời ban hành chính sách hạn chế khai thác nước dưới đất, từng bước đã giúp phục hồi nguồn nước; đưa ra phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp; thực hiện giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước thông qua hệ thống theo dõi trực tuyến; chính sách quy định về dòng chảy tối thiểu được ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả trên thực tế (Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017); chính sách quy định về dòng chảy tối thiểu được ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả trên thực tế (Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017); đảm bảo lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ và bảo vệ các nguồn nước quan trọng thông qua việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước và bảo vệ lòng, bờ bãi sông (Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Nghị định 23/2020/NĐ-CP); công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước và thực hiện một số chương trình, đề án chính phủ đã và đang thực hiện, hoàn thành. Một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội, một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đã hoàn thành lập bản đồ danh mục lưu vực sông Việt Nam. Điều tra đánh giá TNN dưới đất tỷ lệ 1:100.000 đạt khoảng gần 8% diện tích toàn quốc; tỷ lệ 1: 50.000 khoảng 20%; tỷ lệ 1:25.000 đạt khoảng 5%. Đánh giá nguồn nước mặt trên các LVS, ước đạt 10%. Lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 về cơ bản phủ trùm 100% diện tích phần đất liền.
Báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực tài nguyên nước năm 2021 và những năm tiếp theo, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, trên cơ sở khuyến nghị của Ngân hàng thế giới (WB) trong Báo cáo “Việt Nam hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” (tháng 6/2019), trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý tài nguyên nước là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua nhằm giải quyết các tồn tại về tài nguyên nước và thực hiện nhóm giải pháp mà WB đã khuyến nghị. Trong đó, lĩnh vực tài nguyên nước sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050; Rà soát Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; hoàn thiện Đề án kiểm kê tài nguyên nước Quốc gia.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách đã được ban hành, trong đó chú trọng các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; công bố danh mục nguồn nước nội tỉnh; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; dòng chảy tối thiểu trên các sông suối,…
Thứ ba, hoàn thiện, vận hành có hiệu quả hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện…. tự động, trực tuyến.
Thứ tư, phối hợp với Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, trong đó chú trọng việc xác định, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông chính.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong Bộ trong công tác khắc phục, hạn chế suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Tập trung nghiên cứu, đánh giá sụt lún đất ở các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu khả năng, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung – Tây Nguyên bằng biện pháp phi công trình; Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết. Nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ sáu, xây dựng và hoàn thành Cơ sử dữ liệu dùng chung về thủy văn, môi trường nước và tài nguyên nước.
Thứ bẩy, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước. Nghiên cứu, thúc đẩy cơ chế chia sẻ, giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước xuyên biên giới theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế. Đồng thời, tích cực vận động để huy động nguồn lực, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ưu tiên nguồn vốn ODA cho công tác Quy hoạch, điều tra và bảo vệ nguồn nước.
Thứ tám, xây dựng thể chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần của xã hội tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng phát triển nguồn tài nguyên nước. Xây dựng chính sách nhằm tăng giá trị nguồn thu từ nước và tái đầu tư cho việc bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Thứ chín, tăng cường công tác hậu kiểm, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông.
Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện quy trình chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Xây dựng, hoàn thiện các bộ công cụ mô hình toán bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất cho toàn bộ các lưu vực sông lớn, quan trọng để phục vụ cho công tác quy hoạch, điều tra, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của lĩnh vực tài nguyên nước
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao và nhất trí với khung nội dung báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực tài nguyên nước năm 2021 và những năm tiếp theo do Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước trình bày.
Để triển khai tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu Cục và các đơn vị: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công cần xác định những nhiệm vụ, dự án ưu tiên để tập trung làm trước. Bộ trưởng cho rằng, xây dựng thể chế, chính sách là một vấn đề khó. Theo đó, các đơn vị cần triệt để nghiên cứu, triển khai Luật tài nguyên nước 2012 với những quy định, chính sách đã có, nắm chắc số liệu thống kê, kiểm kê, nguồn lực về tài nguyên nước trên cơ sở kết quả điều tra, giám sát tài nguyên nước theo ngày, mùa, tháng. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt số lượng, chất lượng nước; chỉ ra những biến động về phân bổ tài nguyên nước tại thượng nguồn, hạ nguồn; đề xuất các giải pháp để phân bổ tài nguyên nước cho các lĩnh vực nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
“Trong công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cần có sự tính toán, thống nhất với các quy hoạch ngành trong Bộ; tiếp cận cách quản lý không gian, có định hướng để đưa ra được những quyết định đối với nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế trong từng thời điểm. Quy hoạch tài nguyên nước phải tính đến vấn đề cải thiện và phát triển số lượng, chất lượng nước; giải quyết được bài toán xung đột trong sử dụng nước, phát huy các nguồn lực tài nguyên trong tầm nhìn dài hạn, đảm bảo không gian sinh tồn, sinh thái và tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh..
Trong nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, Bộ trưởng đề nghị lĩnh vực tài nguyên nước cần tận dụng khoa học công nghệ hiện đại như viễn thám, ra đa, trí tuệ nhân tạo đồng thời tích hợp các dữ liệu cơ sở các lĩnh vực trong ngành để từ đó thiết lập nền tảng cho quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước hiện đại thông qua quan trắc, giám sát bằng các công nghệ tự động; xây dựng các khung pháp lý để đưa ra các giải pháp thương mại, xã hội hoá trong việc chia sẻ dữ liệu, số liệu về tài nguyên nước.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an ninh nguồn nước, Bộ trưởng đề nghị phải xây dựng được các chính sách trong việc phát triển nguồn nước, xử lý ô nhiễm nguồn nước, xác định trách nhiệm các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vì an ninh nguồn nước là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị tài nguyên nước cần phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ, đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế để cùng nhau trao đổi, thoả thuận chia sẻ thông tin về nguồn nước, hợp tác, khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới.
Cần đánh giá lại hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước để xem xét tính bền vững trong việc này tránh lãng phí, ô nhiễm nguồn nước; Tiếp tục triển khai các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ điều tra, cung cấp nguồn nước cho các vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khô hạn và đảm bảo bảo các giải pháp cung cấp nguồn nước cho các vùng này một cách tối ưu. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các Vụ chức năng của Bộ cần tham mưu, xây dựng khung chương trình, phân công hợp lý, bố trí nguồn lực tài chính để thực nhiệm các nhiệm vụ được giao. “Các nhiệm vụ để ra phải phù hợp với năng lực thực hiện, cân đối với nguồn lực tài chính và mang tính khả thi cao. Phải bảo đảm tính toàn diện hệ thống, xác định nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu theo thứ tự ưu tiên để thực hiện”. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Hồng Hạnh