Sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 05:31, 05/05/2020
Theo Tổng cục Đường bộ cho biết, đơn vị này vừa trình phương án sửa chữa các bản thép mặt cầu Thăng Long với kết cấu liên hợp siêu nhẹ. Đơn vị thi công dự kiến cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép rồi hàn các đinh neo, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao.
Sau đó, mặt cầu được phủ lớp bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác; các khe co giãn trên mặt cầu đã hư hỏng sẽ được thay thế toàn bộ.
Trong thời gian sửa chữa sẽ cấm hoàn toàn phương tiện đi qua cầu. Tổng mức đầu tư của dự án sửa cầu Thăng Long là 269,3 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Mặt cầu Thăng Long chằng chịt vết vá.
Tuổi thọ tính toán của phương án sửa chữa là trên 30 năm với lớp bê tông siêu tính năng và 10 năm đối với lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và tạo êm thuận.
Được biết, cầu Thăng Long được xây dựng hoàn thành vào năm 1985, cầu có chiều dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 05 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,10 m, rộng 17m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m, phần đường ô tô rộng 16,5 m cho 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m. Các nhịp cầu dẫn: bằng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.
Sau 35 năm khai thác, phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng, nhưng do các đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, giàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe chạy trên mặt cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau. Do vậy từ năm 2009 đến nay, sau nhiều lần sửa chữa nhỏ các hư hỏng chưa được khắc phục triệt để.
Lê Mai (t/h)