Tp. Hồ Chí Minh: “Xanh hóa” các tuyến kênh, rạch tắc nghẽn, ô nhiễm

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 02:30, 29/05/2020

Moitruong.net.vn – TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai cải tạo, hồi phục thêm nhiều tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp nhằm góp phần chống ngập nước, cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị.

Nhiều năm trước đây, hàng chục hộ dân sống chung quanh rạch Lăng (phường 12, quận Bình Thạnh) phải hết sức khổ sở vì dòng nước bị tắc nghẽn, nước mưa ứ đọng, rác thải vứt vô tội vạ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tình trạng nêu trên đã chấm dứt khi con rạch được nạo vét, hồi sinh. Ước tính, khoảng 20.000 m3 bùn đất đã được nạo vét từ 1.200 m rạch Lăng, nhờ đó dòng chảy đã được khơi thông, nước rạch đã đổi mầu, không còn bốc mùi hôi thối. Sáng sáng, chiều chiều người dân đã có thể dạo bước thảnh thơi bên con rạch vừa hồi sinh. Tương tự, trong ký ức của người dân sống ven rạch Ông Học (quận 12) là dòng nước đen kịt, đầy rác. Đây là con rạch dài 1.200 m chạy qua khu dân cư đông đúc. Nạn xả rác, lấn chiếm khiến con rạch này bị nghẽn dòng chảy, thường xuyên gây ngập nước và dịch bệnh cho cư dân ven bờ. Bây giờ, rạch Ông Học đã được cải tạo, xây kè kiên cố, dòng chảy đã thông thoáng, trong xanh.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc, rạch Ông Học được đầu tư 42,652 tỷ đồng để nạo vét và đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với công trình này, quận 12 cũng khánh thành ba công trình nạo vét rạch khác là rạch Lò Heo – Ông Sỏi (dài 1.200 m, tổng mức đầu tư 52,557 tỷ đồng); rạch Cầu Chợ (dài 1.095 m, tổng mức đầu tư 41,011 tỷ đồng); rạch Rỗng Mọi – Năm Lô (dài 1.063 m, tổng mức đầu tư 40,863 tỷ đồng). Hệ thống kênh, rạch được cải tạo, nạo vét giúp tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng, triều cường, mưa lớn, góp phần bảo đảm môi trường, phục vụ lợi ích chung cho người dân trên địa bàn quận.

Rạch Ông Học (quận 12) sau khi được cải tạo, nạo vét, xây dựng bờ kè kiên cố

Được biết, từ năm 2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố thực hiện nạo vét 18 tuyến rạch trên địa bàn quận 12 với mục tiêu ban đầu là khơi thông dòng chảy nhằm bảo đảm tiêu thoát nước trong khu vực. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế các tuyến rạch này, UBND quận 12 nhận thấy việc thực hiện nạo vét thông thường chỉ giải quyết vấn đề tiêu thoát nước tạm thời, không phát huy hiệu quả cao trong quá trình sử dụng, bảo trì lâu dài. UBND quận 12 đã kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương chuyển giao việc thực hiện cải tạo 18 tuyến rạch này từ Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố cho UBND quận 12 thực hiện nạo vét và kiên cố hóa. Đến nay, đã hoàn thành bốn trong số chín dự án đã khởi công. Quận 12 đang tiếp tục đẩy nhanh việc cải tạo 14 tuyến kênh, rạch còn lại trên địa bàn. Tổng mức đầu tư của 18 dự án này hơn 800 tỷ đồng.

Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, đối với cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch, việc khó khăn nhất vẫn là đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân cần chỗ ở ổn định, bảo đảm sinh kế, con cái học hành thuận tiện. Chủ đầu tư cần giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc chia sẻ, một trong những khó khăn trong việc triển khai nạo vét kênh, rạch là trong dự án không có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ, quận 12 đã công khai thông tin về dự án, vận động người dân đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng. Đối với những hộ dân lấn chiếm ven kênh, rạch để xây nhà, quận đã vận động di dời, trong kinh phí cho phép quận hỗ trợ một phần để người dân di đời, ổn định cuộc sống.

Thông tin từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được 81,2 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến. Vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện, đã giảm 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục cải tạo rạch Xuyên Tâm; chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo rạch khu vực nội đô, gồm: Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp… Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng.

Khó khăn lớn nhất trong việc chỉnh trang và cải tạo kênh, rạch là nguồn kinh phí thực hiện. Hơn 10 năm trước, thành phố đã muốn chỉnh trang, cải tạo tuyến rạch Xuyên Tâm dài 8 km đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Con rạch này một thời gian dài bị nhà dân lấn chiếm xây dựng dọc theo kênh làm thu hẹp dòng chảy và trở thành “thùng chứa rác” khổng lồ. Khảo sát của UBND quận Bình Thạnh cho thấy, có khoảng 2.135 căn nhà dọc theo tuyến kênh bị ảnh hưởng với chi phí đền bù hơn 3.751 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí xây dựng, nhiều khả năng kinh phí thực hiện dự án có thể tăng đến gần 9.000 tỷ đồng…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp tốt nhất để có thể đẩy nhanh tiến độ cải tạo các tuyến kênh, rạch trên địa bàn thành phố là kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Nhà nước cần thúc đẩy vai trò của cộng đồng, muốn vậy, cần có thể chế, chính sách để người dân, cộng đồng có thể tham gia tích cực không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch chung mà còn ở cả giai đoạn duy trì, quản lý sông, kênh, rạch sau này.

PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh kênh, rạch. Khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch, cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án; đồng thời có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng. Trước mắt, thành phố có thể tập trung thực hiện một số tuyến kênh, rạch chính như rạch Xuyên Tâm, tránh việc đầu tư dàn trải…

Thanh Huyền (T/h)

Thanh Huyền (T/h)