Hà Nội còn 12 “điểm đen” úng ngập khi mưa lớn
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 13:01, 19/06/2020
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác quản lý duy trì thoát nước mùa mưa bão, cách khắc phục tình trạng úng ngập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Hiện hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội có diện tích 300 km2; hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được TP phê duyệt gồm: cống rãnh; kênh, mương; ga thu; hồ điều hoà; trạm bơm thoát nước mưa chính và nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Về tình trạng úng ngập khu vực nội thành, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, với cường độ mưa trong khoảng từ 50 – 100mm/2h thì các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm ngập ùng, trong đó có 6 điểm chưa thể khắc phục do bất lợi về địa hình và xa nguồn xả. Cụ thể 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long.
Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ, không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Hà Nội còn 12 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính khi mưa lớn.
Trước tình trạng đó, thành phố đã chủ động thực hiện một số giải pháp như: Nâng cấp trung tâm điều hành thoát nước; tiếp tục vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; triển khai sơ đồ vận hành hệ thống thoát nước theo thời gian thực trên lưu vực 5 con sông để phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống thoát nước…
Đối với công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã xử lý ô nhiễm môi trường nước ở 90 hồ trong khu vực nội thành, cho lắp đặt bè thủy sinh trên 66 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, đồng thời nạo vét bùn lắng đối với 10 hồ. Ngoài ra, công tác điều tiết mực nước hồ đã đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thoát nước và cân bằng sinh thái môi trường, qua đó góp phần làm không gian xung quanh các hồ trở thành nơi vui chơi, thư giãn của người dân.
Nhằm hạn chế việc nước thải chứa nhiều dầu mỡ chảy ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, đến nay, đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh, hộ gia đình lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ, góp phần loại bỏ dầu mỡ ngay tại nguồn phát sinh, nâng cao hiệu quả xử lý của các trạm xử lý nước thải và cải thiện chất lượng môi trường của nguồn tiếp nhận (sông, hồ).
Mai An (t/h)