Cấm ô tô đi lại trên cầu Thăng Long từ cuối tháng 7 để phục vụ thi công sửa chữa mặt cầu
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 07:00, 01/07/2020
Cuối tháng 7 này, xe ô tô sẽ bị cấm đi lại trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc thi công sửa chữa.
Để phục vụ thi công, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cấm toàn bộ ôtô đi trên tầng 2 cầu Thăng Long và phân luồng phương tiện đi sang các cầu khác như Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Xe máy và tàu hỏa vẫn được đi lại tại tầng 1, song tàu hỏa phải hạn chế tốc độ dưới 5 km/h để hạn chế rung rắc.
Cầu sẽ được sửa chữa tổng thể bắt đầu từ tháng 7/2020, hoàn thành trong Quý IV/2020. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ hết khoảng 270 tỷ đồng. Việc sửa chữa lần này sẽ áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại và có chuyên gia nước ngoài giám sát thi công.
Theo phương án sửa chữa đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu trên mặt cầu Thăng Long, làm sạch bản mặt thép rồi hàn các đinh neo, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao, cuối cùng sẽ phủ nhựa tạo nhám mặt cầu. Khe co giãn đã hư hỏng cũng sẽ được sửa chữa để khi sửa xong sẽ tăng khả năng chịu lực, đảm bảo mặt cầu có tuổi thọ trên 10 năm.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.
Mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nặng
Sau 35 năm khai thác, cầu Thăng Long bị hư hỏng bề mặt, lớp dính bám giữa bê tông nhựa và lớp chống thấm trên bản mặt thép bị suy giảm, gây trượt, tạo các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn cục bê tông nhựa trên mặt cầu. Mặc dù đã được sửa chữa lớn 2 lần và duy tu thường xuyên, tình trạng xuống cấp thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh lý do thời gian khai thác, sử dụng đã hàng chục năm, ngày đêm phải “oằn mình” chịu tải hàng nghìn phương tiện qua cầu, trong đó hầu hết là xe quá tải trọng, khiến mặt cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, nguyên nhân làm mặt cầu bị kéo giãn cả hai phương dọc và ngang thời gian gần đây còn là chiều dày lớp bản thép mặt cầu mỏng so với yêu cầu.
Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, với 2 tầng đi chung cả đường sắt và đường bộ, mặt cầu đã được thảm lại toàn bộ tầng 2 bằng công nghệ của Mỹ từ năm 2009. Tuy nhiên, đến nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu đã bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500 m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng ngành giao thông vận tải vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để sửa chữa dứt điểm.
Ngọc Anh