Chính thức cấm các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:03, 28/07/2020
Để phục vụ công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long (dự kiến từ ngày 8/8 tới), Tổng cục Đường bộ thực hiện cấm tầng 2 của cầu từ ngày 28/7. Tầng 1 vẫn cho xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường. Tàu hỏa hạn chế tốc độ 5km/h.
Các phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Thăng Long được phân luồng và khuyến cáo đi qua các cầu khác như: cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thanh Trì, cầu Hưng Hà hoặc cầu Nhật Tân.
Dự kiến, ngày 8/8, Tổng cục Đường bộ sẽ chính thức khởi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Thời gian thi công trong 150 ngày. Giá trị trúng thầu hơn 242,8 tỷ đồng.
Theo đó, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trong thời gian sửa chữa, bắt đầu từ 6 giờ ngày 28/7 (tầng 1 cầu Thăng Long, tàu hỏa lưu thông qua cầu Thăng Long với tốc độ nhỏ hơn hoặc bằng 5km/h trong thời gian sửa chữa; mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường).
Từ 6h sáng 28/7, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long để phục vụ thi công dự án sửa chữa
Để đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu, đời sống dân sinh tại khu vực phía Nam cầu Thăng Long và phù hợp với Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND Thành phố Hà Nội, cho phép các loại phương tiện xe tải lưu thông theo giờ trên đường Phạm Văn Đồng – Tân Xuân – An Dương Vương – Cầu Nhật Tân và ngược lại như sau:
Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên (theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc, xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn… hoạt động trên tuyến đường Phạm Văn Đồng – Tân Xuân – An Dương Vương – Cầu Nhật Tân.
Đối với xe khách tuyến cố định có điểm đi, đến Bến xe Mỹ Đinh, Bến xe Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cầu Thăng Long: Lộ trình lưu thông theo Phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục ĐBVN (UBND thành phố Hà Nội thống nhất tại Công văn số 3120/UBND-ĐT ngày 16/7/2020 và Bộ GTVT chấp thuận tại Công văn số 6969/BGTVT-ATGT ngày 17/7/2020).
Đối với các phương tiện xe hợp đồng chở công nhân: Các phương tiện có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng → Đường Đỗ Nhuận, Đường DT1, (Khu đô thị Tây Hồ Tây – Ngoại giao đoàn) → đường Võ Chí Công đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.
Ngoài giờ cao điểm (từ 19 giờ 30 đến 6 giờ; từ 9 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày): Xe tải (có khối lượng toàn bộ từ 1,25 tấn đến 10 tấn). Từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau: Xe tải (có khối lượng toàn bộ từ trên 10 tấn đến 24 tấn hoặc dưới 3 trục).
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là gần 270 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là kinh phí sự nghiệp cho hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Nhà thầu thi công là nhà thầu Việt Nam. Thời gian thực hiện sửa chữa là 150 ngày.
Về giải pháp sửa chữa, theo đại diện Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đơn vị thi công sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ. Giải pháp công nghệ, dự án cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ của châu Âu, công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Ngọc An