Vùng dân tộc đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,79%/năm
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 11:33, 14/08/2020
Theo Ủy ban Dân tộc, tổng số xã, thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 gồm 2.139 xã thuộc 46 tỉnh và 3.973 thôn của 48 tỉnh, TP. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, có 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 (giai đoạn 2).
Hiện, đã có 6/46 tỉnh có trên 20% tổng số xã và 29/48 tỉnh, TP có trên 20% tổng số thôn hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 (giai đoạn 2). Nhìn chung, việc rà soát các xã, thôn bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình được các địa phương thực hiện nghiêm túc, bình xét từ cơ sở theo tiêu chí rõ ràng, đảm bảo công khai, thống nhất.Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc đặc biệt khó khăn giảm nhanh qua các năm. Ảnh minh họa
Ủy ban Dân tộc cũng thông tin thêm về tình hình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, từ khi triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2 (2016 – 2020), tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã giảm từ 35,45% (năm 2016) xuống còn 22,96% (năm 2019). Mức giảm bình quân 3,79%/năm, đạt mục tiêu đề ra của Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 là từ 3,5 – 4%/năm.
Tuy nhiên, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ. Chênh lệch giàu – nghèo, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Một số chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, mang tính bình quân, cào bằng, thời gian đầu có tác dụng tốt, giải quyết được một số khó khăn trước mắt cho người dân, tuy nhiên đến nay không còn phù hợp, nhưng chậm sửa đổi, bổ sung.
Một số Ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động chưa hiệu quả, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là cán bộ làm công tác lao động, thương binh – xã hội, thông tin cơ sở và các hội, đoàn thể không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành trong công tác giảm nghèo.
Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Trong năm 2020, chúng ta cần tập trung huy động tối đa nguồn lực và dồn sức cho việc thực hiện Chương trình đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Một số ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, và miền núi; triển khai sâu rộng và tiết thực phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối người nghèo, hộ nghèo là người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi; rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư…
Mục tiêu của Chương trình trong năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 34%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Minh Anh