Vì sao các trường đại học, cao đẳng vẫn ở nội đô?
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 03:30, 13/09/2020
Những tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Chùa Bộc, Xuân Thủy, Cầu Giấy… từng có thời điểm thông thoáng, dễ thở khi dịch Covid-19 hoành hành và sinh viên được học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, những nhiều ngày qua, vào khung giờ cao điểm, cảnh các dòng phương tiện đông đúc chen nhau từng centimet đường và ùn tắc kéo dài lại xuất hiện sau khi học sinh – sinh viên quay trở lại trường học để bắt đầu năm học mới. Điều này càng khẳng định, một phần nguyên nhân tình trạng quá tải giao thông tại Hà Nội do quy mô sinh viên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tăng mạnh.
Việc di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô vẫn còn rất chậm.
Có thể kể đến như tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy dày đặc trường như ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Thương Mại, ĐH Giao thông vận tải… Tương tự, đường Nguyễn Trãi chỉ hơn 1km nhưng đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến Siêu thị Co.opmart đã phải oằn mình “cõng” đến 7 trường lớn như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…
Theo chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô, ngay từ năm 2010 Sở QH-KT Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời, cải tạo 23 cơ sở giáo dục. Trong đó, 12 ĐH, CĐ được đề xuất di dời và 11 cơ sở giáo dục ĐH khác được đề xuất cải tạo. Các trường sẽ được bố trí tại các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (600ha), Sơn Tây (300ha), Hòa Lạc (1.200ha), Phú Xuyên (100ha)… Đáng lưu ý, năm 2011 Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập rất rõ việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ khu vực nội đô khống chế khoảng 30 nghìn sinh viên.
Chính phủ chủ trương xây mới 3.500 – 4.500ha các khu, cụm ĐH ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40 – 51 nghìn sinh viên.
Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một ví dụ điển hình về tình trạng chậm di dời. Được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị ĐH hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 17 năm dự án này mới hoàn thành được vài ba khu nhà. Trong đó có nhà công vụ số 1, khu nhà của BQLDA, một ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho 2 nghìn sinh viên, sau được chuyển cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng khai thác. Khối công trình 2 tòa nhà của dự án ĐH Khoa học tự nhiên (thành viên của ĐHQG Hà Nội) đang được xây dựng đến tầng 5. Một tòa nhà lớn trị giá hàng chục tỷ đồng hoành tráng nhất khuôn viên xây xong làm nhà khách. Xung quanh khu vực dự án vẫn là những con đường đất, đồi chè và vùng cỏ hoang rộng lớn.
Trên cơ sở Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, quyết định đã có hiệu lực thi hành được 5 năm nhưng mới có duy nhất trường ĐH Y tế cộng đồng tại 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình, di dời ra khỏi trung tâm TP.
Lý giải về sự chậm trễ này, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù kế hoạch di dời đã được cụ thể hóa bằng các chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, bởi tồn tại một số khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại khu vực nội đô TP Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, những tồn tại, vướng mắc cũng như việc chưa kịp thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các cơ sở giáo dục, đào tạo liên quan đến một số nguyên nhân chủ yếu như công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, nguồn vốn thực hiện chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành; sự phối hợp giữa các tỉnh, TP với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.
Minh Châu