Cơ hội và thách thức khi xã hội hóa đầu tư ngành nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:32, 22/04/2021

Moitruong.net.vn – Ngày 22/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Cơ hội và Thách thức”.

VIDEO: Toạ đàm “Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức”

Buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận một số nội dung như: thực trạng ngành nước và vệ sinh môi trường ở Việt Nam, đánh giá lợi ích các dự án công nghệ nước sạch hiện nay. Các giải pháp: về cơ chế (quy định, pháp luật, chính sách..); về đâu tư; hợp tác công tư; liên ngành; quy hoạch; nhu cầu tháo gỡ độc quyền và thu hút đầu tư xã hội từ đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Tham dự buổi Tọa đàm có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên Nước (Bộ TN&MT), ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý Dự án Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường (Bộ NN&PTNT) cùng các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nước sạch và môi trường.

Về phía Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam có Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế – xã hội của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước sạch đang ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị. Trong khi đó, nước là nguồn tài nguyên vô cùng qúy giá nhưng không phải là vô tận.

Thời gian qua công tác xã hội hoá đầu tư trong ngành nước chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư cho ngành này. Vấn đề cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong ngành nước cũng chưa được nhiều, có doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn nắm giữ 80 – 90%, do vậy không thu hút được nguồn lực từ xã hội hoá.

Do đó, để giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước cũng như nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách về nước sách; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt,…

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huân – Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Halcom Việt Nam cho rằng: “Để đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, phát triển, trước hết Nhà nước cần công bố thông tin một cách minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương. Cần có hệ thống cơ sở dữ liệu (database) cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập. Hơn nữa, cần xây dựng chính sách khuyển khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải. Đồng thời, có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có cả năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để đầu tư, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng, tăng lãng phí xã hội”.

Ông Nguyễn Quang Huân – Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trao đổi tại tọa đàm

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: “Ở Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch, nước máy. Ngay ở khu vực đô thị, cũng chỉ có khoảng 86% dân cư được tiếp cận với nước sạch. Chính vì thế ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất nước sạch, các doanh nghiệp cũng tiến hành cổ phần hóa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Dù vậy, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn vốn”.

Ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại tọa đàm

Ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Về cấp nước, nhất là cấp nước sạch thì các cơ quan quản lý nhà nước cần đề xuất với Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa và phải bình đẳng giữa công ty nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó, cần thống nhất quản lý nhà nước về cung cấp nguồn nước sạch, tức là chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và xử lý khi xảy ra sự cố”.

Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được an toàn trong sử dụng”.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bút – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Phú Thọ cho rằng: “Xã hội hóa trong đầu tư ngành nước là một chính sách rất tốt, ưu việt của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước như chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước tạo ra cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng nước sạch cho người dân”.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước – Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước – Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, Luật Quản lý tài nguyên nước quy định, nước phục vụ mục đích sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu và được ưu đãi về vốn để đầu tư những công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 54, trong đó quy định cụ thể các trường hợp được ưu đãi về nguồn vốn vay đầu tư, sử dụng đất với các hoạt động xây dựng công trình trữ nước quy mô từ 500 m khối trở lên, hoặc với quy mô hộ gia đình từ 10 m khối trở lên, sẽ được ưu đãi về nguồn vốn đầu tư và sử dụng đất.

Với thực trạng thách thức hiện nay, ông Khuyến cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý Tài nguyên nước nghiên cứu sửa đổi Luật tài nguyên nước, dự kiến trong nhiệm kì Chính phủ này sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, nội dung về xã hội hóa trong cấp nước nói riêng và các nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu minh bạch phục vụ công tác quản lý cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất nước sạch được đầy đủ nhất.

Ông Khuyến cũng cho biết: Các cơ quan quản lý Nhà nước về nước sạch sẽ tiếp thu những ý kiến tại buổi tọa đàm. Qua đó, hoàn thiện chính sách để tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội trong đầu tư công trình cấp nước và kinh doanh nước sạch.

Ông Olli Keski Saari – Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam

Phát biểu tại tọa đàm, ông Olli Keski Saari – Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam cho biết, chúng ta muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư sẽ cần 2 yếu tố chính: cần cơ chế chính sách rõ ràng, cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho các doanh nghiệp.

Bởi theo ông Olli Keski Saari, nếu các công ty tư nhân họ cảm thấy không đảm bảo được về quyền lợi sở hữu, không tin tưởng được sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư hợp lý bù vốn, thì khó có thể thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân.

Theo Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam, việc sử dụng công nghệ nào và chi phí dành cho nhà máy gần như không hoàn toàn liên quan đến nhau.

Ông Olli Keski Saari lấy dẫn chứng, hiện nay các nhà máy ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao hơn, với chi phí từ 250-400 USD/người, dân số Việt Nam hiện gần 40 triệu người. Như vậy để có được chi phí xử lý phù hợp với dân số sẽ cần từ 4-8 tỷ đồng, chi phí này là rất lớn.

Trong vòng 5 năm qua con số đầu tư vào VN lên tới 20 triệu USD, để thu hồi vốn được 70% cần 20-40 năm nữa, đây là thời gian rất dài.

Chi phí vận hành của các nhà máy xử lý nước thải khác nhau do yêu cầu xử lý và công nghệ áp dụng. Tuy nhiên, giá nước hiện nay từ 500-1.000đ/m3 rõ ràng là không đủ để trang trải toàn bộ chi phí vận hành và bảo dưỡng của bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào.

Theo dữ liệu thống kê của WB về nhà máy XLNT Đà Lạt, phí thu từ nước thải chỉ đủ trang trải 18% chi phí vận hành nhà máy XLNT. Với nhà máy XLNT Buôn Mê Thuột, con số là 28%.

Để so sánh, chi phí vận hành của Nhà máy xử lý nước thải Lapua ở Phần Lan là 8.000đ/m3, chi phí xử lý bùn cặn (thuê ngoài) là 8.000đ/m3 nữa. Tổng cộng chi phí vận hành là 16.000đ/m3. Nước thải ở Lapua “nặng” hơn Việt Nam nhiều. Yêu cầu làm sạch đối với các thông số chính là 95-99%, phục hồi chi phí vận hành và chi phí vốn là 100%.

Con số doanh thu hiện nay rất thấp, trước khi muốn thu nguồn đầu tư chúng ta phải giải quyết được làm thế nào có được doanh thu, và làm thế nào giải quyết chi phí vận hành tốt hơn, để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chủ trì tọa đàm

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Nếu như Nhà nước gỡ bỏ được những vướng mắc về cơ chế chính sách thì doanh nghiệp sẽ thực hiện xã hội hóa nhanh và hiệu quả. Nhờ vậy mà chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch sẽ tăng lên, phát triển kinh tế – xã hội. Thực ra các Thông tư, Nghị định hướng dẫn đã có rồi, nhưng làm sao để doanh nghiệp tiếp cận, hiểu và thi hành được những chính sách đó thì là một vấn đề, vì về mỗi địa phương lại vận dụng một cơ chế chính sách theo cách khác nhau. Vì sao điện người ta đưa được về tận bản làng mà nước sạch chúng ta chưa làm được? Phải chăng là do công nghệ hay đang có nhiều Bộ, ngành quản lý về nước nên chưa thống nhất được cho hiệu quả?

Ngoài ra, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng đã tổng kết một số vấn đề nổi bật tại buổi toạ đàm:

Thứ nhất, muốn được xã hội hoá thì doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Doanh nghiệp không thiếu tiền chỉ thiếu cơ chế và khi tháo bỏ được cơ chế khó khăn thì doanh nghiệp sẽ chung tay làm xã hội rất là tốt. Các văn bản, nghị định, thông tư đã có nhưng làm thế nào để vận hành chính sách đó là một vấn đề.

Thứ hai, chúng ta cũng cần phải có thông điệp rõ ràng rằng nguồn nước được dự báo thời gian tới sẽ rất là thiếu. Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước mặt nhưng một số nơi đã bị ô nhiễm. Do vậy, việc sử dụng nguồn nước là rất quan trọng.

Thứ ba là vấn đề công nghệ. Việt Nam đã có những doanh nghiệp ở TP HCM đã có công nghệ lọc nước biển thành nước sinh hoạt. Như vậy chúng ta hoàn toàn sẽ có những công nghệ và làm chủ được công nghệ. Vấn đề phải có cơ chế để thực hiện được những điều này.

“Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và VCCI sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến trong tọa đàm để tổng hợp và có báo cáo gửi các Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian tới”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Thế Đoàn – Trần Đức

Thế Đoàn – Trần Đức