Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông năm 2021
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:00, 25/12/2020
Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8 -10 điểm ùn tắc. Trong đó, đơn vị này đặt mục tiêu xử lý nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng trong 26 điểm ùn tắc còn lại từ năm 2020 như: Phùng Chí Kiên – Hoàng Quốc Việt; nút giao 361 – Nguyễn Khang; điểm quay đầu Trung Văn – Tố Hữu; đường Vành đai 3 đoạn nút giao Big C; nút giao Nghiêm Xuân Yêm – Nguyễn Hữu Thọ; Linh Đường – Nguyễn Hữu Thọ.
Trước đó, Liên ngành GTVT và Công an thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 toàn thành phố còn tồn tại 34 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong đó, có 33 điểm chuyển tiếp năm 2019 và 1 điểm phát sinh Quý I/2020 tại nút giao đường 70 với đường bao quanh Khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An.
Tính đến hết tháng 11/2020, Liên ngành GTVT đã xử lý được 8/34 điểm ùn tắc. Cụ thể: Khu vực Cổ Nhuế – Phạm Văn Đồng; Trần Quốc Hoàn – Phạm Văn Đồng; Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo; ngã ba Ngọc Hồi – Phan Trọng Tuệ; Minh Khai – Ngõ gốc Đề; Trường Chinh (Tôn Thất Tùng – Ngã Tư Sở); Điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng; Hồ Tùng Mậu – Lê Hữu Thọ.
Theo chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới.
Tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thủ đô vẫn rất nhức nhối
Để giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND thành phố 9 nhóm giải pháp cụ thể.
Đầu tiên là nhóm giải pháp khắc phục quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện rà soát, mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông, phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
Nhóm thứ hai là khắc phục xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ giao thông cao gây ùn tắc. Hà Nội sẽ xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép, hình thành các nút giao thông khác mức, tăng khả năng thông qua, giảm xung đột giao thông; Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Công an TP, các địa phương rà soát các bất cập của tổ chức giao thông tại khu vực nút giao thông có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức lại giao thông phù hợp, giúp cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Nhóm thứ ba sẽ hạn chế bất cập do quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Với nhóm giải pháp thứ tư, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ giải quyết một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh đến thắt nút cổ chai, chưa kết nối gây ra hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ.
Nhóm giải pháp thứ năm sẽ khắc phục nhanh sự cố giao thông trên một số đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.
Nhóm giải pháp thứ sáu là sẽ giải quyết ùn tắc tại một số các tuyến phố giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông dây chuyền.
Nhóm giải pháp thứ bảy theo Sở GTVT Hà Nội sẽ khắc phục ảnh hưởng của thời tiết mưa, bão gây ra tình trạng úng ngập cục bộ gây ùn tắc giao thông.
Nhóm thứ tám sẽ tập trung giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học, bệnh viện, khu đô thị, khu vực tập trung mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm dễ gây ùn tắc giao thông.
Cuối cùng là nhóm giải pháp nâng cao ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Theo Sở GTVT Hà Nội, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp này sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô trong năm 2021.
Ngọc Mai