TP Hồ Chí Minh: Mạng lưới giao thông sẽ thông suốt
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 06:33, 06/01/2021
Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở là một quy hoạch chung, thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác; có kết nối vùng, liên vùng và địa phương; có liên kết giữa các phương thức vận tải, sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện…
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời thành phố phía Đông trong tương lai.
Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện.
Theo phân tích các chuyên gia bất động sản, không chỉ năm 2020, mà trong nhiều năm tới, khu Đông sẽ trở thành khu vực dẫn dắt thị trường. Đây là khu vực được đánh giá là hướng mở nhất trong chiến lược phát triển đô thị của TP.HCM.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng chính vì những cơ hội to lớn này, trong năm 2020, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM. Bởi khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển và sở hữu đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và hàng loạt khu đô thị mới với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang dần hiện hữu tạo niềm tin rất lớn với các nhà đầu tư.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 – 2030.
Theo đó, Thành phố đề ra các giải pháp mang tính đột phá và xây dựng lộ trình phù hợp nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của Thành phố, và phải gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Đồng thời, Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở là một quy hoạch chung, thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác; có kết nối vùng, liên vùng và địa phương; có liên kết giữa các phương thức vận tải, sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Các nguồn vốn khác (vốn đầu tư từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệp…) dự kiến đầu tư các dự án đường bộ gồm: Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ…; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa…
Thành phố khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
Để đảm bảo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối đồng bộ, sử dụng nguồn lực ngân sách đầu tư có hiệu quả cao, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành Giao thông (quy hoạch, mô phỏng dự báo tình hình giao thông,…), Sở Giao thông Vận tải TP căn cứ vào danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2030 để tham mưu lập và trình UBND thành phố chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi TP. Hồ Chí Minh quản lý.
Trọng Nhân (t/h)