Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 06:40, 05/01/2021
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng trưởng của thị trường hàng không, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh mẽ và kéo theo thị trường hàng không phát triển. Năm ngoái, số lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu người, 12% so với năm 2018. Theo đánh giá của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hơn 65 triệu hành khách. Năm 2030 đạt trên 85 triệu hành khách.
Nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng lớn, trong khi hạ tầng hàng không lại đang là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Thủ tướng cho biết, đến nay, các cảng hàng không Việt Nam khai thác cơ bản đều vượt công suất, ngay cả các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài luôn thiếu chỗ đỗ tàu bay, làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế và cơ hội sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển lớn của khu vực. Do đó, nếu khắc phục được tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong đó, Dự án thành phần 3 (Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện) được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần. Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000 m, rộng 75 m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m.
Nam Anh