Ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam (Bài 2): Kiểm soát an ninh nguồn nước đô thị
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:00, 23/03/2021
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Nước thải đô thị, vấn đề nóng
Tại các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước mặt do xả thẳng ra nguồn tiếp nhận.
Trong ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy, công nghiệp mía đường và công nghiệp chế biến thực phẩm… nước thải thường có độ pH trung bình cao; chỉ số nhu cầu ô-xy sinh hóa (BOD) ở mức 700mg/l, vượt ngưỡng cho phép đến 14 lần; nhu cầu ô-xy hóa học (COD) có thể lên đến 2.500mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 16 lần (theo QCVN 40:2011/BTNMT). Hàm lượng nước thải của một số doanh nghiệp có chứa Cyanua (CN-) vượt đến 80 lần tiêu chuẩn cho phép, nhiều chỉ số môi trường khác trong nước cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép.
Nguồn nước tại các thành phố lớn ngày càng bị ô nhiễm nặng do rác thải, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông, hồ. Ảnh minh họa.
Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị, được thể hiện rõ nhất ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang ở mức báo động rất cao. Tại hai thành phố này, nước thải sinh hoạt trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải. Bên cạnh nước thải sinh hoạt, thì nước thải y tế, nước thải từ các nguồn khác như công nghiệp, dịch vụ, trung tâm thương mại cũng đang tác động lớn đến môi trường nước ở đô thị. Điển hình như trong nước thải y tế, ngoài yếu tố ô nhiễm thông thường còn có những chất bẩn đặc thù; các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng kháng sinh và có thể có các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh. Kết quả đánh giá thực trạng chất lượng nước thải y tế tại 22 bệnh viện khu vực miền bắc, do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Có tới 52,4% bệnh viện có nước thải y tế sau xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép về chỉ số a-mô-ni; 4,7% vượt tiêu chuẩn cho phép về chỉ số sunfua; 38,1% vượt tiêu chuẩn về chỉ số coliform… Ngoài ra, nước biển ven bờ tại một số đô thị có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ khoáng như Quảng Ninh, Đà Nẵng… Việc tập trung phát triển các khu kinh tế ven biển thời gian gần đây đã dẫn đến nguy cơ xảy ra ô nhiễm và sự cố môi trường do hoạt động kiểm soát, xử lý chất thải không được quản lý chặt chẽ.
Sông, hồ nội thị ô nhiễm nghiêm trọng
Với sự nỗ lực cải tạo, chất lượng nước tại một số sông, kênh, hồ nội thành, nội thị của một số thành phố lớn đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ô nhiễm nước mặt tại các khu vực sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Phần lớn thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (Amoni) đều vượt chuẩn.
Nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải từ một số cơ sở sản xuất trong nội đô… chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch nội thành nghiêm trọng nhất.
Theo báo cáo Môi trường quốc gia vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đối với các hồ ở khu vực nội thành, chức năng chủ yếu là điều tiết nước, xử lý nước thải (XLNT) và tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, do các hoạt động phát triển đô thị và ô nhiễm kéo dài, một số hồ bị thu hẹp, lấn chiếm, bồi lắng, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và XLNT. Các khu dân cư xung quanh hồ chưa có hệ thống thu gom nước thải nên nước thải đô thị xả trực tiếp vào hồ. Tại nhiều đô thị, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải, nước không có sự lưu thông.
Phần lớn các hồ nội thành, nội thị ở các đô thị đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Ô nhiễm nước hồ xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn (loại đặc biệt, loại I) mà tại các đô thị nhỏ hơn (cấp II, cấp III), đây cũng đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương.
Sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng.
Báo cáo Môi trường của Bộ TN&MT cũng chỉ ra, các sông, kênh mương nội thành là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của các khu đô thị, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng khá lớn. Tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng sông, kênh mương khá phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy.
Tại 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng là vấn đề đã xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện, điển hình là một số sông, kênh như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (Tp. Hồ Chí Minh) thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm có xu hướng trở lại. Tình trạng ô nhiễm sông, kênh mương nội thành đã trở thành vấn đề cần quan tâm giải quyết ở hầu hết các đô thị.
Mối đe dọa từ chất thải rắn
Chất thải rắn phát sinh từ các đô thị là mối đe dọa đến nguồn nước mặt. Chôn lấp chất thải rắn bất hợp pháp, khu vực chôn lấp thiếu vệ sinh nằm gần nguồn nước, và thiếu thu gom chất thải rắn đã dẫn đến tình trạng rác thải gây ô nhiễm nguồn nước. Theo Bộ TN&MT, trong khi Việt Nam có 660 bãi rác đang hoạt động thì chỉ có 203 bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Các bãi rác còn lại không thu gom và xử lý nước rỉ rác (chất lỏng thoát ra từ bãi chôn lấp) gây ô nhiễm cho đất và nước.
Còn theo Bộ Xây dựng, con số tin cậy về tỉ lệ thu gom chất thải rắn đô thị rất khó để theo dõi, nhưng con số này được ước tính là 86% ở khu vực thành thị vào năm 2018 nhưng dưới 20% ở khu vực nông thôn và đô thị nghèo vào năm 2004. Khoảng 70% chất thải rắn được thu gom và chôn lấp.
Báo cáo gần đây chỉ ra rằng, khối lượng chất thải từ Việt Nam cao hơn một cách không cân xứng so với quy mô của đất nước: 60% chất thải nhựa thải ra biển trên thế giới bắt nguồn chỉ từ năm quốc gia, một trong số đó là Việt Nam.
Thanh An