Cần điều chỉnh quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:00, 04/08/2021
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình đô thị hóa ở mỗi nước cũng diễn ra theo xu hướng nhanh, chậm khác nhau bởi nó phụ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển kinh tế – xã hội ở quốc gia đó.
Tại Việt Nam, thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn, tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan tỏa diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Tuy nhiên, các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Nan giải bài toán chống ngập đô thị
Theo số liệu thống kê, trước năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn tại TP Hà Nội xảy ra từ 15 – 25 năm/lần. Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 – 7 năm/lần. Rõ ràng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây mưa lớn, ngập nặng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thiên tai chỉ là một phần nguyên nhân, còn lại xuất phát từ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị.
Ảnh minh họa
Trước đây, trong các đồ án quy hoạch đô thị Hà Nội cũng đã đặt ra vấn đề ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự tham gia của các chuyên ngành như khoa học thủy lợi, tài nguyên môi trường trong quá trình quy hoạch động hầu như chưa có. Do vậy, để ứng phó những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang là vấn đề nan giải của Hà Nội, đặc biệt, ở khu vực phía Tây gồm vùng nông thôn nằm trong vành đai xanh dọc theo các tuyến sông.
Tình trạng cứ mưa là ngập đã không còn xa lạ ở các khu đô thị mới phía Tây Nam Hà Nội trong những năm gần đây, tạo ra những vấn đề bức xúc. Trước kia, Hà Nội bị ngập trong khu vực nội đô vì khu vực này có hạ tầng thoát nước yếu kém, không đồng bộ, quá tải… Nay, ngập úng lan rộng ra ngoại thành, đến các khu phố mới, khu đô thị mới. Những khu đô thị được quy hoạch mới 100% cũng đã ngập trong nước.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã đặt ra 2 vấn đề trọng tâm là phát triển kinh tế đô thị và bảo vệ môi trường. Các nội dung này đã được cụ thể hóa trong những quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như quy hoạch thoát nước, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, hồ… Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, không ít chỉ tiêu đặt ra tại các quy hoạch này đã không đạt được. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp trong khi dân số gia tăng vượt quá mục tiêu quy hoạch chung đặt ra đã gây quá tải hạ tầng.
Việc chậm triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái nên còn thiếu không gian xanh, lá phổi bảo vệ môi trường. Ở khu vực nội đô chưa thực hiện tốt việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở sản xuất công nghiệp để dành đất cho không gian công cộng… Từ những tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch đã dẫn đến hệ quả TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải, ngập lụt…
Cần có giải pháp đồng bộ
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Phát triển đô thị khiến cho các đô thị được cải tạo xây dựng mới nhiều dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn, bão và triều cường.
Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi các Quy hoạch: quốc gia, vùng, đô thị chưa có nội dung hoặc chưa có các phương án tính toán về rủi ro đã cập nhật với tình hình mới của biến đổi khí hậu.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các đô thị Việt Nam đều cũ, yếu và thiếu đồng bộ. Hệ thống nhà ở và các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, nhà hát, các công sở, xí nghiệp công nghiệp, hệ thống đê điều, cửa xả… đã và đang được xây dựng, thiết kế với các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, tần suất lịch sử cũ, chưa cập nhật kịp thời với tình hình biến đổi khí hậu gia tăng nghiêm trọng gần đây.
Đối với Hà Nội, điều này thể hiện rất rõ thông qua một số tiêu chí mà TP chưa lường được trong các quy hoạch. Trong quy hoạch chung để đảm bảo vấn đề thoát nước, mặc dù đã tính việc thoát nước của cả nước mặt, nước thải sinh hoạt, nước mưa, tuy nhiên, dân số tăng nhanh kéo theo nước thải sinh hoạt tăng. Cùng với đó, việc xuất hiện những trận mưa lên đến 300 – 400mm, đã vượt qua ngưỡng tính toán của quy hoạch thoát nước chỉ là những trận mưa có cường độ 200 – 250mm. Chính điều này đã gây quá tải hệ thống thoát nước, gây ra úng ngập nặng, kể cả những khu vực chưa bao giờ ngập úng như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, trong thời gian tới, cùng với việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô hướng tới bảo vệ môi trường, các quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật cần được nghiên cứu đồng bộ nhằm sớm khắc phục những tồn tại, xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp.
Trước đó, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp và hành động như: Lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, trong đó quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu phải góp phần tạo điều kiện giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình, tạo điều kiện cứu trợ khi có tai họa và phục hồi sau tai họa.
Hoàng Anh