Đến năm 2030 phải hoàn thiện đề án Bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:00, 29/06/2021
Cụ thể, theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nước ngầm, nước mặt diễn biến ngày càng sâu sắc thì Đề án sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Đến năm 2030, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tối đa và sớm nhất các mục tiêu đặt ra, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia gắn với phát triển bền vững kinh tế – xã hội, môi trường.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước; tăng cường hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tài nguyên nước liên quốc gia…
Nhiều dòng sông lớn như sông Hồng, sông Mê Công… ở nước ta bắt nguồn từ ngoài lãnh thổ nên vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước sông càng trở nên phức tạp, khó khăn
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề xuất điều hoà, phân bổ nguồn nước hiệu quả theo các kịch bản đảm bảo số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu an ninh nguồn nước quốc gia. Duy trì vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia và một số lưu vực sông quan trọng đáp ứng mục tiêu Chính phủ số. Nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường, cần phải nâng cao các công tác hoạt động của Việt Nam trong vấn đề tài nguyên nước xuyên biên giới để tham gia các hiệp ước, công ước quốc tế…
Đặc biệt, nâng cao nhận thức về quan điểm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia là vấn đề thiết yếu, cấp bách, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong bối cảnh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt chịu tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, biến đổi khí hậu và phụ thuộc lớn vào nguồn nước liên quốc gia.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng khẳng định, phải coi sản phẩm nước là hàng hoá. Tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác, cung ứng dịch vụ ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với khả năng đáp ứng của nguồn nước, với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu, kết hợp hài hòa lợi ích của từng ngành, từng địa phương, đảm bảo công bằng, hợp lý.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị chuyên môn đánh giá lại toàn bộ Đề án, đưa ra các các đánh giá khoa học, các dự báo về những vấn đề thách thức với tài nguyên nước, từ đó làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và đưa ra những quan điểm, chủ trương, mục tiêu và có những giải pháp đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ để kiểm soát được vấn đề an ninh tài nguyên nước hiện nay.
Nam Anh