Đà Nẵng: 25 Năm chuyển mình vươn lên vượt qua khó khăn đại dịch

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 10:00, 02/02/2022

Moitruong.net.vn – Sau 25 năm (01/01/1997 – 01/01/2022) kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 địa phương trực thuộc Trung ương, TP. Đà Nẵng đã chuyển mình vươn lên giữ vai trò là đô thị lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm vừa qua, song với sự tập trung lãnh đạo và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội, TP. Đà Nẵng đã về đích với những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực công tác.

Thời gian đầu chia tách, TP. Đà Nẵng chỉ là đơn vị hành chính loại 3, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt phải chống chịu thiên tai bão lụt triền miên, sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Nhưng bằng ý chí và khát vọng phát triển của người dân và lãnh đạo thành phố cũng như nhờ sự giúp đỡ từ Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương bạn, TP. Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Và đến tháng 7/2003, TP. Đà Nẵng được công nhận đô thị loại I cấp quốc gia và từng bước vươn lên giữ vai trò là đô thị lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay cao gấp hơn 15 lần so với năm 1997. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, mặc dù  TP. Đà Nẵng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng với sự đồng thuận của nhân dân và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố cuộc sống người dân đã dần ổn định. Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên tập trung chỉ đạo kịp thời các nhiệm vụ công tác có liên quan. Trong đó đã cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chú trọng xử lý thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường công tác quản lý thông tin báo chí, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sau 25 năm (01/01/1997 – 01/01/2022) kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 địa phương trực thuộc Trung ương, TP. Đà Nẵng đã chuyển mình vươn lên giữ vai trò là đô thị lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Ngoài ra, Thành ủy cũng đã xây dựng Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; ban hành Đề án về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã tạo nên những chuyển biến căn bản và hiệu quả, tạo nguồn và quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn thành phố tiếp tục đi vào nền nếp, bước đầu đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ mà thành phố đặt ra.

Trong năm 2021, lãnh đạo thành phố đã tranh thủ, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc, tôn giáo đã tích cực tham gia xây dựng, đưa thành phố phát triển. Công cuộc thực hiện “mục tiêu kép” để chiến thắng dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế, xã hội tiếp tục đạt những kết quả khả quan.

Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết liệt, quyết tâm triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố, với những biện pháp chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay.

Thành phố cũng chỉ đạo chủ động từ sớm các nguồn lực về con người, hạ tầng, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch, không để bị động, bất ngờ; linh hoạt, sáng tạo trong công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật trong giám sát y tế.

“Với các biện pháp quyết liệt, linh hoạt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cống hiến của lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, Tổ COVID cộng đồng, các tình nguyện viên; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, đến nay, thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết thêm.

Về lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, ngay từ đầu năm 2021, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”; khẩn trương phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách làm định hướng quan trọng, tạo nền tảng và là cơ sở pháp lý để thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố phát triển bền vững trong thời gian tới. “Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế – xã hội thành phố có nhiều khởi sắc, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng gần 5%, thu ngân sách đạt gần 53% dự toán”- ông Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ và thông tin thêm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhất là trong quý III/2021 đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh (GRDP thành phố 9 tháng đầu năm 2021 âm 1,25%). Song với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, thành phố đã sớm kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và dần khôi phục các hoạt động kinh tế; tổng sản phẩm xã hội (GRDP) toàn thành phố năm 2021 ước đạt 105.330 tỷ đồng, tăng 0,18% so với năm 2020.

Thành phố cũng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 4.700 tỷ đồng, cấp mới 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 150 triệu USD. Khu vực dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ngành du lịch; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 ước đạt 59.039 tỷ đồng, tăng 4% (Kế hoạch khoảng 10%). Điểm sáng là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng hơn 15%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng hơn 12%.

Với những kết quả kể trên cho thấy bước đi đúng hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố Đà Nẵng sau một năm đầy khó khăn, thách thức bởi đại dịch COVID-19. Đó sẽ là nền tảng, động lực để bước sang năm mới 2022, Đà Nẵng sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên, đóng góp tích cực cho trục tăng trưởng của khu vực và cả nước trong giai đoạn sắp tới.

Đình Tăng – Thanh Hải

Đình Tăng – Thanh Hải