Thực hiện hiệu quả mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường, vì một Đà Nẵng không rác thải

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 03:30, 04/03/2022

Moitruong.net.vn Sau thời gian vận động, tuyên truyền, khu dân cư Thuận An 5 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đã đi vào nề nếp, thực hiện hiệu quả mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” góp phần xây dựng TP.Đà Nẵng không rác thải.

Được biết, chi bộ khu dân cư Thuận An 5 đã phối hợp với người dân cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng giỏ nhựa hàng ngày nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vì một thành phố xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng được thực hiện triệt để, trở thành điểm sáng để khác khu dân cư khác noi theo.

Mô hình sử dụng giỏ đi chợ thay cho bao bì nylon và phân loại rác tại nguồn đã áp dụng được ba năm, từ năm 2018. Nhớ lại ngày đầu làm công tác tuyên truyền cho 109 hộ dân tại hai khu dân cư, ông Đặng Văn Thi – Trưởng ban điều hành dự án “Khu dân cư thân thiện môi trường” chia sẻ: “Lúc đầu, tôi vận động mọi người sử dụng thùng sơn có nắp đậy để đựng rác thì mọi người không ai đồng ý cả, ai cũng cho rằng sử dụng thùng xốp cũng an toàn với môi trường và không ai làm theo. Mất một thời gian, tôi phải tuyên truyền, vận động từng nhà. Chúng tôi kết hợp với Chi hội phụ nữ khu dân cư cùng nhau tuyên truyền thì dần dần mọi người mới thấy được lợi ích của việc giảm thiểu rác thải nhựa và gây quỹ từ rác thải tái chế. Từ đó đến nay, mọi người trong khu dân cư, ai cũng làm theo”

Đề án phân loại rác thải tại nguồn năm 2021 của phường Xuân Hà (Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) thu về số tiền gần 10 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Linh

Theo ông Thi, mỗi năm số tiền thu được từ việc bán các loại rác tái chế được như giấy, vỏ lon, chai nhựa là 8-9 triệu đồng, năm ngoái số tiền này lên đến 10 triệu đồng. Khi được hỏi về mục đích của số tiền, ông cho biết: “Chúng tôi đều công khai, minh bạch số tiền mỗi năm và sử dụng số tiền này để chăm lo cho những bạn học sinh, sinh viên có hoàn cách khó khăn nhưng vẫn vượt khó học tập. Lúc dư giả, số tiền này còn được sử dụng để chăm lo cho con, em của những người thu gom rác thải hằng ngày”.

Bà Nguyễn Thị Thọ (Lê Quang Sung, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho hay: “Mỗi gia đình tại đây đều được phát một thùng sơn có nắp để thay thế thùng rác (do kinh phí còn hạn hẹp) và một giỏ đi chợ để người dân đi chợ hằng ngày. Vì vậy, suốt 3, 4 năm nay, hầu như khu dân cư của chúng tôi không hề có một cọng rác nào trên đường phố cả. Tất cả là nhờ vào sự tuyên truyền, vận động và làm gương của chị em chi hội phụ nữ của khu dân cư mới có được như ngày hôm nay”.

Bà Lê Thị Hiền Thơ – Hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư 5, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng cho biết thêm: “Ý thức của toàn dân là hiệu quả cao nhất mà chúng tôi đạt được. Thời điểm hiện tại, bãi rác Hoà Sơn đầy rồi. Chúng tôi phân loại rác thải tại nguồn như thế này cũng góp một phần giảm thiểu rác thải cho thành phố. Phần khác, chúng tôi còn thiết kế một lồng sắt để thu gom vỏ lon, chai nhựa, vì vậy, mỗi năm chúng tôi cũng có một số quỹ nhất định để thay thế giỏ nhựa, thùng sơn hư hỏng cho người dân”.

Bà Lê Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng thông tin: “Hiện nay, có 20/20 chi hội của phường Xuân Hà đang thực hiện mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Mỗi tuần, chúng tôi góp được từ 200-300 nghìn đồng từ việc thu gom rác thải tái chế. Đồng thời, chúng tôi kết hợp với quỹ an sinh xã hội phường để sử dụng số tiền đó vào việc hỗ trợ cho trẻ em mồ côi và mẹ đơn thân trên địa bàn. Đây là một việc làm ý nghĩa và thiết thực mà chúng tôi đã cố gắng duy trì trong 3 năm qua vì một thành phố không có rác thải và giúp đỡ những gia đình khó khăn”.

Gia Hân

Gia Hân