Điểm bất cập trong đầu tư hệ thống thoát nước và thu gom nước thải ở Việt Nam hiện nay

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 12:30, 01/05/2022

Moitruong.net.vn – Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Thành Lam, chuyên viên chính vụ quản lý chất thải – Tổng cục Môi trường trăn trở và đưa ra bàn luận trong buổi tọa đàm “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”. Ông cho rằng, cần huy động sự tham gia của khối đầu tư tư nhân và khối doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung để giảm áp lực cho môi trường.

Giá dịch vụ và xử lý nước thải rất thấp

Hiện nay, ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% – 90% lượng nước thải bị xả thẳng ra môi trường, con số đó cho thấy năng lực xử lý nước thải ở nước ta hiện nay đang rất thấp; các chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực quản lý,… đang có vấn đề. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử lý ở nước ta hiện nay mới chỉ đạt khoảng 13%. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.

Trao đổi về thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay, ông Nguyễn Thành Lam cho biết, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã nỗ lực đầu tư vào các dự án, công trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt. Hiện cả nước có 70 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất thiết kế 1,37 triệu m3/ ngày đêm, con số đã tăng rất lớn so với những năm trước đây. Điểm bất cập hiện nay là đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom nước thải cần nguồn kinh phí rất lớn, nguồn kinh phí đầu tư cho thoát nước và thu gom nước lớn hơn hệ thống xử lý nước thải, trong khi đó giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải rất thấp, trung bình chỉ 10% giá nước sạch. Nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước và thu gom nước thải còn hạn chế, nên hoạt động kiểm soát và xử lý nước thải chưa được như mong muốn, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra chất lượng nước và môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Thành Lam, chuyên viên chính vụ quản lý chất thải – Tổng cục Môi trường.

Nguyên nhân của việc hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế nêu trên là do tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp (trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý); giá dịch vụ thoát nước vả xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.

Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới; khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nhìn chung còn thấp. Các đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải lại có quyền tự chủ rất hạn chế trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống.

Việc kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch cũng chưa được thực hiện thường xuyên.

Ngoài ra, đầu tư tài chính cho công tác quản lý nước thải còn thiếu và chưa cân đối; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân còn chưa hiệu quả; năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới.

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải là vấn đề mấu chốt

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay, Ông Nguyễn Thành Lam – Chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trườn cho biết, điểm bất cập hiện nay là đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom nước thải cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi giá xử lý nước thải rất thấp nên chưa thu hút được khối đầu tư tư nhân và khối doanh nghiệp nước ngoài khi họ tính toán chi phí lợi ích.

Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có phương án thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Cần thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Cụ thể là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường nhằm từng bước tạo dựng thị trường dịch vụ môi trường đầy đủ theo cơ chế thị trường; nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giấy phép con và hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư thay vì chính sách ưu đãi thuế như hiện nay; công khai minh bạch trong cơ chế giá, thông tin, quy hoạch dịch vụ môi trường; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư riêng cho xử lý nước thải.

Cùng với đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp như, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT), đặc biệt là các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Chỉ đạo các địa phương ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước đây; ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định tại Khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Giang Anh