TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo nguồn nước sạch cho hơn 10 triệu dân
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:30, 16/09/2021
Nhiều chuyên gia nhận định, nguồn nước sạch của TP Hồ Chí Minh đứng trước ba nguy cơ đe dọa lớn là xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải. Cộng thêm nỗi lo xa hơn với ngành cấp nước Thành phố là biến đổi khí hậu gây lượng mưa không đều dẫn tới thiếu hụt nguồn nước.
Ngoài ra, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, nguồn dự trữ nước ngầm cũng đang bị sụt giảm do quá trình khai thác quá mức trong thời gian dài trước đây.
Người dân khu vực ven đô ít sử dụng nước máy
Người dân khu vực ven đô sử dụng nước giếng khoan khá phổ biến
Chuyển về đường TTT17 sống gần một năm nay, anh Nguyễn Tấn Châu (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cho biết, anh vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, tắm giặt.
Căn nhà anh đang thuê thuộc diện không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng và được phân lô xây dựng nên chưa được gắn đồng hồ nước sạch. Trong khi đó, hộ gia đình bên nhà anh lại được cấp nước sạch.
Theo anh Châu, ở khu anh sống cũng có rất nhiều hộ phải sử dụng nước giếng khoan dù đường ống cái cấp nước đã được lắp đặt dọc tuyến đường chính.
Gia đình anh Châu là một trong hàng ngàn trường hợp người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn sử dụng nước giếng dù nước sạch đã tới sát nhà.
Về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, theo kế hoạch số 3333 của UBND TP Hồ Chí Minh ban hành năm 2019 quy định “không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng (đặc biệt là các công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng, công trình từ một giấy phép xây dựng thành nhiều căn và mua bán dưới hình thức lập vi bằng)”.
Hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân đang sử dụng đất nhưng chưa có quyền sử dụng đất (chủ yếu giấy tờ tay, vi bằng…) nên số lượng hồ sơ đảm bảo pháp lý được gắn đồng hồ nước theo quy định ít hơn so với dự kiến.
Đối với những trường hợp này, Sawaco đã triển khai cung cấp nước cho người dân bằng nhiều giải pháp như lắp đặt bồn chứa nước tập trung, lắp đặt các thiết bị lọc nước, lắp đặt đồng hồ tổng…
Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát từng trường hợp cụ thể có thể xem xét giải quyết.
Thống kê trong năm 2020, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 8% tổng số khách hàng (tương ứng 121.604 khách hàng) và 9% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít từ 1m3 đến 4m3/tháng (tương ứng 129.527 khách hàng).
Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước máy tại các khu vực vùng ven đô cao hơn rất nhiều lần so với mức bình quân toàn Thành phố.
Chẳng hạn, khách hàng không sử dụng nước máy tại huyện Hóc Môn chiếm 37% (trong tổng số đồng hồ nước được lắp đặt trên địa bàn), tại quận 12 khách hàng không sử dụng nước máy chiếm 25%.
Nguyên nhân do thói quen người dân sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi và lo ngại tốn kém. Việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn nguồn vốn đã đầu tư.
Và mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như đọc số, in và phát hành hóa đơn, sửa chữa rò rỉ mạng lưới… để duy trì việc cung cấp nước liên tục cũng rất khó khăn.
Hiện trạng nguồn nước
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của Thành phố được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế – xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Trong đó, nguồn nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động từ các nguồn thải khác nhau như nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn – Đồng Nai đang khiến dòng sông hứng chịu một nguồn chất hữu cơ khổng lồ. Bên cạnh đó là nguồn phát thải từ các khu vực xung quanh như Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) theo hệ thống sông, kênh, rạch liên thông. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh nằm ở cuối lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương phía trên lưu vực là rất lớn, không dễ kiểm soát.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Xâm nhập mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai, tác động ngày càng lớn đối với nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nếu không có những biện pháp đối phó kịp thời.
Hơn nữa, môi trường nước mặt còn bị tác động mạnh bởi việc khai thác sử dụng đất phần phía thượng lưu, phát triển thủy điện, thủy lợi với sự hình thành hệ thống các hồ chứa, đập dâng và việc vận hành các hệ thống này.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, phát triển giao thông vận tải vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự cố môi trường… hay nước rò rỉ từ các bãi rác chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào nguồn nước cũng góp phần vào việc “giết dần” các nguồn dự trữ nước mặt.
Nhận định về diễn biến nguồn nước sông Sài Gòn, ông Trần Duy Khang – Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết, nguồn nước tại con sông này không ổn định và chất lượng đang dần xấu đi. Vào mùa khô nước sông Sài Gòn bị nhiễm mặn, còn vào mùa mưa hàm lượng mangan và amonic rất cao. Tình trạng nhiễm mặn tại sông Sài Gòn năm 2021 đến sớm hơn mọi năm.
Hệ thống trữ nước và xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn được kiểm tra nghiêm ngặt từng giờ – Ảnh: L. Phan
Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước và cấp nước an toàn
Để đảm bảo an ninh nguồn nước trước những tác động của các hoạt động kinh tế – xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu tất cả nguồn nước thải công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đạt tiêu chuẩn. Từ nay đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải với công suất xử lý khoảng 3 triệu m3 nước thải/ngày, phấn đầu 100% nước thải sinh hoạt được xử lý vào năm 2030 (hiện nay mới đạt 13%).
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước. Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sạch và xả nước thải không đảm bảo quy định vào nguồn nước.
Đầu năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020 – 2050 và Chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, nâng cao năng lực dự phòng và các phương án cấp nước khẩn cấp, sẵn sàng ứng phó với sự biến đổi của nguồn nước, đảm bảo an toàn cấp nước cho Thành phố. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng nguồn nước mưa, nước tái tạo, nguồn nước mặt lợ, nước dưới đất lợ để đảm bảo nguồn nước cấp trong điều kiện biến đôi khí hậu cho nhu cầu của thành phố trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình cung cấp nước sạch tại TP Hồ Chí Minh thời gian tới, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đánh giá, chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình trạng bão lụt, hạn hán bất thường hay những yếu tố ô nhiễm từ môi trường.
Ông Thạch cũng đưa ra các giải pháp ngắn hạn như điều phối nguồn cấp nước, điều chỉnh nhịp nhàng với nước từ hồ chứa để đảm bảo quá trình cấp nước không bị gián đoạn.
Ông Thạch cho biết thêm, ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến nguồn nước tại hai hồ chứa đầu nguồn sông Sài Gòn (hồ Dầu Tiếng) và sông Đồng Nai (hồ Trị An).
Hằng ngày các bên đều thông báo cho nhau số liệu về chất lượng nước hiện hữu của dòng sông. Khi có sự cố hoặc phát sinh nguồn ô nhiễm trên dòng sông phía đầu nguồn sẽ mở tăng lưu lượng xả, giúp làm loãng và rửa trôi được ô nhiễm trên dòng sông.
Trong đó, để sẵn sàng đối phó trước những sự cố gây đứt đoạn nguồn nước cấp do ô nhiễm môi trường hay các tác động bất ngờ của biến đổi khí hậu, TP Hồ Chí Minh đã lên phương án xây dựng hồ chứa với dung tích 5 triệu m3, có thể cung cấp nước sạch cho người dân Thành phố trong vòng 7 ngày. Dự kiến hồ chứa nước này được xây dựng cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh giao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn và các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố.
Trước đó, Thành phố đã triển khai cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Hiện chức năng sinh học của hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được khôi phục, nước kênh trong, không còn mùi hôi, khả năng tiêu thoát nước tốt cùng với cảnh quan dọc kênh được cải thiện đã tạo nên một diện mạo mới cho cả khu vực.
Ngoài ra, Thành phố cũng chú ý tới công tác xử lý nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Hiện tại, tất cả các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh được báo cáo là có nhiều nhà máy xử lý nước thải tập trung có thể xử lý khoảng 240.000m3/ngày. Tổng lượng nước thải sinh hoạt của Thành phố hiện được xử lý chỉ dưới 10% và chính quyền đang tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng mạng lưới hiện có, nâng tỉ lệ xử lý nước thải đến 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Hiện nay, Thành phố đang triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh năm 2025 về quy hoạch hệ thống thoát nước thải. Thành phố sẽ sử dụng hệ thống cống chung cho khu vực nội thành hiện hữu (kết hợp sử dụng giếng tách dòng và hệ thống cống bao để tách và thu gom nước thải) và hệ thống thoát nước riêng cho các khu đô thị mới để phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo từng cụm dân cư nhỏ.
Với việc phân vùng thoát nước thải thành 12 lưu vực thoát nước thải, trong đó khu vực nội thành cũ có 4 lưu vực, khu vực nội thành phát triển và ngoại thành (khu vực phát triển đô thị mới) có 8 lưu vực, Thành phố đặt mục tiêu sẽ xử lý nước thải triệt để qua hệ thống 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải trong khu vực nằm ngoài các lưu vực được nêu trên sẽ được thu gom và xử lý theo từng khu vực có quy mô nhỏ.
Theo dõi chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn tại Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Khai thác nước ngầm quá mức khiến sụp lún địa tầng là một trong những nguyên nhân gây ngập tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua – Ảnh: Lê Phan
Hạn chế việc khai thác nước ngầm
Muốn giảm khai thác nước ngầm, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng nước của người dân thì việc siết cấp phép khai thác nước cho các đơn vị, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được Thành phố đưa ra lộ trình rõ ràng.
Vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND Thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới và giảm lưu lượng khai thác công trình đã cấp phép đối với các doanh nghiệp có công trình khai thác nước ngầm từ 3.000m3/ngày trở lên.
Đối với các công trình thuộc thẩm quyền Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp phép mới cho mọi đối tượng đề nghị cấp phép, không cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp hết hạn giấy phép.
Đồng thời, sở này yêu cầu các doanh nghiệp còn hạn khai thác phải có lộ trình giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình của Thành phố.
Riêng đối với các doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép với lý do nằm trong vùng chưa có mạng cấp nước hoặc mạng cấp nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì chỉ gia hạn 1 – 2 năm. Đối với các doanh nghiệp không có giấy phép vẫn khai thác sẽ bị xử lý nghiêm.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Sawaco cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lượng nước khai thác dưới đất thêm 40.000m3/ngày (từ 70.000m3/ngày về mức 30.000m3/ngày), tuân thủ theo lộ trình giảm khai thác nước ngầm của UBND Thành phố.
Mặc dù vậy, việc giảm nhanh lượng khai thác nước ngầm cũng ảnh hưởng nhất định đến phương án dự phòng sự cố cho nguồn nước mặt của hệ thống cấp nước.
Trả lời về phương án đảm bảo cấp nước cho người dân khi giảm mạnh việc khai thác nước ngầm được dự trù như thế nào, Sawaco cho biết, trong điều kiện nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, để đảm bảo việc cấp nước cho người dân trong 5 năm tới, Sawaco dự kiến tiếp tục mở rộng nâng công suất của hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m3/ngày (phần lớn từ hệ thống khai thác nước mặt).
Song song đó, công ty sẽ đẩy nhanh công tác phát triển, cải tạo, sửa chữa hệ thống ống truyền tải, mạng lưới phân phối cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và tăng cường giám sát chất lượng nước.
Tuấn Kiệt