10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2016
Giáo dục - Ngày đăng : 01:59, 01/01/2017
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 gọn nhẹ; Ban hành Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017; Rút ngắn thời gian đào tạo Đại học xuống còn 3 năm… là những sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2016 vừa qua.
1. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 gọn nhẹ
Kỳ thi đã không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí cho xã hội mà người học, nâng cao trách nhiệm xã hội đối với các trường đại học, cao đẳng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường này trong tuyển sinh, mà xã hội đã đặc biệt ghi nhận sự nhẹ nhàng, nghiêm túc.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được các nhà trường, xã hội đánh giá cao
Cả nước chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và đại học như năm 2016.Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình cụm thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 từ việc chỉ có 38 cụm thi liên tỉnh để thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, sang tổ chức 120 cụm thi đại học ở tất cả các địa phương là quyết tâm rất lớn và đầy trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.
2.Ban hành Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017
Cuối tháng 9, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi sẽ giao về các sở GD&ĐT chủ trì.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tổ chức theo 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (3 môn bắt buộc) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lí, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lý với Giáo dục thường xuyên).
Các thí sinh sẽ phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Theo đó, ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một mã đề riêng. Bài thi sẽ được chấm bằng máy. Các môn thi có số lượng câu hỏi và thời gian làm bài khác nhau theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đến ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh Đại học và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên 2017.
Theo dự thảo, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, Bộ cũng sẽ không đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng vào Đại học (điểm sàn) như những năm trước.
Tất cả các trường đều phải minh bạch thông tin về tuyển sinh trên website của trường và Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó, phải có các thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra và vị trí việc làm của ngành đào tạo, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp; điều kiện và điểm nhận đăng ký xét tuyển… của trường.
3. Rút ngắn thời gian đào tạo Đại học xuống còn 3 năm
Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 quyết định quan trọng với ngành Giáo dục, đó là: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Theo quyết định số 1981/QĐ-TTg).
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chuẩn thống nhất về trình độ quốc gia và một Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm 4 cấp học: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 – 6 năm xuống còn 3 – 5 năm. Thời gian đào tạo cao đẳng thay vì 3 năm, nay là 2 – 3 năm.
4. Đề án Ngoại ngữ 9.000 tỷ đồng không đạt mục tiêu
Ngày 17/9, tại hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học 2017.
Tiếng Nhật cũng nằm trong lộ trình giảng dạy để trở thành ngoại ngữ thứ nhất. Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/11, khi được hỏi về Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về vấn đề này.
5. Điều chỉnh Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học bằng việc ban hành Thông tư 22
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng hình thức nhận xét đã gây tranh cãi suốt 2 năm qua.
Thông tư 22 đã điều chỉnh lại đánh giá thường xuyên đối với học sinh tiểu học, cụ thể: tiếp tục tăng cường nhận xét theo hướng tích cực đối với học sinh, hạn chế cho điểm kém, thực hiện cách đánh giá, chấm điểm theo thang điểm A-B-C-D.
Bộ GD&ĐT điều chỉnh Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học bằng việc ban hành Thông tư 22
Cùng với đó, Thông tư 22 cũng quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho 2 mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt và Chưa đạt.
Một điểm thay đổi của thông tư 22 so với Thông tư 30 là có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5.
6.Bạo lực học đường gia tăng
Năm 2016, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi dưới tác động tiêu cực của mạng xã hội, nhiều học sinh, đặc biệt là nữ sinh, dễ dàng đánh bạn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Thậm chí, các em còn bạo hành tinh thần bằng cách lăng mạ, quay video đăng lên mạng xã hội.
Ngoài ra, các vụ giáo viên đánh, chửi học sinh cũng khiến dư luận phẫn nộ. Đặc biệt, bạo lực học đường diễn biến phức tạp khi một số phụ huynh không kiềm chế được sự tức giận trước việc giáo viên đánh con mình và đã đáp trả bằng hành vi bạo lực.
7. Nhiều nơi dừng triển khai mô hình VNEN
Mô hình trường học mới (gọi tắt VNEN) áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Tuy nhiên, trong năm 2016 chứng kiến điều “kỳ lạ” khi hàng loạt địa phương như Hà Tĩnh, Hà Giang… tuyên bố tạm dừng triển khai đại trà trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhiều địa phương dừng triển khai mô hình VNEN
Đây là năm đầu tiên tất cả các đoàn dự thi Olympic quốc tế đều có học sinh đoạt huy chương vàng.Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận mô hình này đã bộc lộ một số hạn chế và khẳng định việc tham gia mô hình này hoàn toàn tự nguyện, theo điều kiện của từng nơi.
8. Nan giải vấn đề dạy thêm, học thêm
Tháng 6/2016, UBND TP. Hồ Chí Minh đã khiến dư luận xôn xao khi có công văn gửi Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa – Thể thao và 24 quận huyện về việc quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm và công tác tuyển sinh tại các trường.
Theo đó, kể từ năm học 2016–2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức học, dạy thêm tại các trường trên địa bàn. Hoạt động này chỉ diễn ra tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, đến nay, do còn nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau, sự vào cuộc thiếu kiên quyết của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục khiến cho nạn dạy thêm trái phép lan tràn vẫn còn khá phổ biến.
9. Liên tiếp đạt huy chương vàng các kỳ thi Olympic quốc tế
Năm 2016, Việt Nam đã cử 7 đoàn với 37 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Kết quả, 36/37 học sinh đoạt giải với 9 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng và 2 bằng khen.
10.Siết chặt đào tạo tiến sĩ
Tháng 4, thông tin về “lò đào tạo tiến sĩ” đã dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Trung bình một tháng, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho “ra lò” gần 20 tiến sĩ với nhiều luận án bị cho là chưa xứng tầm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.
Ngày 13/6, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ về việc tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng.
Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” diễn ra ngày 10/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta chưa đồng đều.
PV