An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 2: Những nguyên nhân hiện hữu
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:00, 27/08/2021
Hàng loạt hồ đập mất an toàn
Toàn quốc hiện nay có trên 7.500 đập, hồ chứa với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3. Hầu hết số hồ chứa đập thủy lợi này được xây dựng từ những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước, nay đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2017, hiện cả nước có 702 hồ chứa lớn (dung tích lớn hơn 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập lớn hơn 15m).
Trong đó, qua tổng rà soát vừa qua, có 70 đập thấm nhẹ, 23 đập thấm nặng, 61 đập có mái bị biến dạng nhẹ, 21 đập có mái bị biến dạng mức nặng.
Một số đập có dấu hiệu mất an toàn như Hồ Khe Chinh, Rong Đen, Tặng An (Yên Bái), hồ Khe Chão (Bắc Giang), hồ Đồi Tương, Ba Khe, Khe Sân (Nghệ An), hồ Thanh Niên (Quảng Trị), hồ Cây Khế, Đập Làng (Quảng Ngãi), hồ Kim Sơn, Giao Hội, Hội Khánh, Hố Trạnh, Thạch Bàn (Bình Định), hồ Tân Rai, Đạ Tẻ, Đạ Tô Tôn (Lâm Đồng)…
Toàn quốc hiện nay có 6.648 hồ chứa thủy lợi tại 45 tỉnh thành với sức chứa khoảng 13,5 tỷ m3 nước
Hồ đập lớn đã vậy, hồ đập nhỏ cũng trong tình trạng đáng báo động. Theo báo cáo, toàn quốc có 5.946 hồ chứa nhỏ (chiếm 89,4% số lượng hồ cả nước).
Trong số này, qua kiểm tra có 507 hồ đập bị thấm, trong đó 450 đập thấm nhẹ, 57 đập thấm nặng, 443 đập có mái biến dạng mức độ nhẹ, 170 đập biến dạng mức nặng.
697 đập tràn, thân bị hư hỏng, xói lở, trong đó 467 tràn hư hỏng mức độ nhẹ, 230 tràn mức độ nặng. Ngoài ra, có 756 công trình thân cống bị hư hỏng, trong đó 546 cống hỏng nhẹ, 210 cống hỏng mức độ nặng.
Hồ chứa nước Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên là ví dụ điển hình. Mới đây qua khảo sát kiểm tra từ thông tin truyền thông, các cơ quan chức năng đã phát hiện đập chính của hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm vai đập.
Nhiều khu vực công trình có hiện tượng thấm nhiều. Rãnh thoát nước hạ lưu đập bị gãy đổ dài 200m. Mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.
Tương tự hồ Hóc Khế tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng từ năm 1987, bị hư hỏng nặng phần cống, nước thấm qua thân đập, nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Hay hồ Núi Một tỉnh Bình Định được xây dựng từ những năm 90 thế kỷ trước, xuống cấp công trình, hiểm họa cho phía hạ du…
Ngoài ra, viêc thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa nâng cấp là một nguyên nhân. Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là buông lỏng quản lý các hồ chứa, đập. Rất nhiều công trình hiện nay qua kiểm tra đều vi phạm về quản lý công trình, đất đai.
Nhiều công trình lấn chiếm trái phép lòng hồ. Tần suất san tôn nền, đào ao, đắp đập trong vùng bán ngập để xây dựng công trình, nuôi cá, chăn nuôi gia cầm, gia súc… diễn ra thường nhật. Sự mất an toàn từ công trình càng nhanh, nguy hiểm càng hiện hữu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 1.150 hồ chứa hư hỏng, cần sửa chữa trong giai đoạn 2016 – 2022. Trong đó, những hồ chứa lớn chỉ có 39 hồ được phép vận hành nhưng phải hạ mực nước xuống dưới mức thiết kế. Chỉ có 1.198 hồ chứa nhỏ bảo đảm an toàn vận hành bình thường, 1.070 hồ vận hành bình thường, 1.127 hồ được phép vận hành với điều kiện mực nước ở dưới mức thiết kế, 23 hồ không được phép vận hành và 2.528 hồ chưa đủ điều kiện để đánh giá.
Chính vì số lượng lớn các hồ chứa nhỏ hư hỏng nghiêm trọng, mất an toàn cao đang thực sự là những “bom” nước, có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Những vấn đề đặt ra cho an toàn hồ, đập
Theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân chung dẫn đến các sự cố là do ảnh hưởng của mưa lũ, dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế dẫn đến nước tràn qua đỉnh đập, gây vỡ đập. Công trình đầu mối bị xuống cấp suy giảm cường độ chịu lực; mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày; tổ mối trong đập đất… Khi mực nước dâng cao, lượng nước thấm qua các vị trí nứt hoặc tổ mối tăng lên gây vỡ đập (ví dụ điển hình như tại hồ đập: Đồng Đẻn, Đá Bàn, Khe Làng, hồ 271…).
Đối với các hồ mới xây dựng xong hoặc đang thi công xảy ra sự cố do còn chủ quan không lường hết được những tình huống thiên tai của chủ đầu tư, hay do đơn vị tư vấn thiết kế, thi công thiếu kinh nghiệm gây vỡ đập (ví dụ như các hồ đập: Z20, Phước Trung, Vưng…).
Hồ Cửa Trát (đóng trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân) là một trong những hồ chứa nước lớn của Thanh Hóa hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ ở một số địa phương có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 – 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.
Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa có 192 hồ hư hỏng xuống cấp.
Sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế cũng là nguyên nhân khiến công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, chủ quan không lường hết được các tình huống thiên tai khi thi công; năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hồ nhỏ được giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Công tác kiểm định định kỳ an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, việc kiểm tra hồ đập bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.
Bên cạnh đó, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật tại lưu vực hồ chứa, số lượng hồ chứa nhiều, phân bố ở các vùng núi, xa khu dân cư, gây khó khăn cho việc đi lại kiểm tra công trình trong mùa mưa, lũ. Việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi ở địa phương còn hạn chế chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí. Ứng dụng khoa học công nghệ trong hiện đại hóa quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, sự cố hồ đập cũng đến từ công tác quản lý. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, năng lực của cán bộ, công nhân ở các hồ do cấp huyện, xã quản lý không đáp ứng yêu cầu, không phát hiện được và kịp thời xử lý các hư hỏng ngay từ giờ đầu. Việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ hàng năm hầu hết chỉ mới được thực hiện bằng trực quan, ít có đánh giá chuyên sâu.
Ở vùng hạ du các hồ chứa thường có mưa lũ lớn, cực đoan có nguyên nhân từ phát triển kinh tế xã hội, thay đổi của kết cấu hạ tầng; lấn chiếm phạm vi lòng dẫn, uy hiếp đến an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi ở mức độ ngày càng cao… Một số địa phương phân cấp và tổ chức quản lý, khai thác chưa phù hợp với quy định, vẫn giao hồ đập lớn và vừa cho UBND cấp xã quản lý.
Hiện nay, việc quy hoạch hồ chứa vừa và nhỏ do UBND các tỉnh phê duyệt, nhưng thường thiếu sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các ngành nên liên tục điều chỉnh, bổ sung, chạy theo “xu thế” cục bộ địa phương chứ không đồng nhất với tính tổng thể lưu vực.
Chính vì vậy, các quy hoạch liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các hồ chứa ở hầu hết các địa phương chính là sự tùy tiện, từ sự thiếu kiểm soát từ cơ quan quản lý cấp trên.
Nhiều công trình vận hành, không cần biết khí tượng thủy văn như nào, lũ về sớm hay muộn, nguy cơ mất an toàn hạ lưu càng lớn.
Điển hình như lũ lụt năm 2009 ở hạ lưu sông Hương-Bồ có nguyên nhân từ sự cố vận hành công trình thủy điện Bình Điền. Lũ lớn sông Vu Gia – Thu Bồn, do xả nước từ công trình A Vương.
Sông Ba, do vận hành xả lũ của công trình sông Ba Hạ. Lũ lụt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, do sự cố công trình thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ…
Chưa kể đến, nhiều công trình không bảo đảm phương án chống lũ cần thiết hoặc công trình không an toàn dẫn đến vỡ đập gây hậu quả nghiêm trọng cho hạ du như trường hợp vỡ đập Cửa Đạt năm 2007, vỡ đập Z20, đập Thầu Dầu năm 2008, vỡ đập Khe Mơ năm 2010…
Trên thực tế, Chính phủ đã không ít lần yêu cầu các địa phương, bộ ngành rà soát, kiểm tra hệ thống hồ chứa, đập xả. Mới đây nhất là giao cho Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra toàn diện an toàn hồ chứa, đập xả.
Song, dường như mọi chuyện ít chuyển dịch khi tính an toàn từ các công trình chưa thực sự đảm bảo. Trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Ai sẽ chịu trách nhiệm bởi những công trình xuống cấp?
Hạ du là sự sống của hàng triệu người dân. Lũ lụt, có tác nhân từ con người, là kẻ thủ đặc biệt nguy hiểm khi thiệt hại không thể đong đếm.
Hoàng Anh