Đầu tư 1.104 tỉ đồng cấp nước sinh hoạt cho 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:30, 30/07/2021

Moitruong.net.vn – Dự án thực hiện khoảng 80 công trình cấp nước sinh hoạt tại những nơi khan hiếm nước của 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Vùng hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp vừa ký ban hành Quyết định số 3356/QĐ-BNN-KH về chủ trương đầu tư dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, mục tiêu đầu tư là xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các vùng khan hiếm nước, hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán thuộc 7 tỉnh ĐBSCL với khoảng 132.242 hộ dân (bao gồm khoảng 130.242 hộ dân trong đất liền và khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 6.000 người dân trên đảo Thổ Châu) để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Kênh rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn vì hạn hán, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước phục vụ hậu cần nghề cá cho khoảng 700 tàu, cũng như góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển du lịch trên đảo Thổ Châu, Kiên Giang.

Về quy mô đầu tư, dự án sẽ thực hiện khoảng 80 công trình cung cấp nước sinh hoạt. Trong đó, xây dựng mới khoảng 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; Sửa chữa, nâng cấp khoảng 38 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; Xây dựng mới 1 hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang với dung tích khoảng 230.000 m3, trạm xử lý nước và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.104 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý. Dự án sẽ tiến hành xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại 7 tỉnh ĐBSCL, bao gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ năm khởi công. Dự kiến tiến độ thực hiện và kế hoạch bố trí vốn cho dự án theo các giai đoạn sau: 2020 – 2022: Chuẩn bị dự án; 2022 – 2025: Thực hiện dự án. Về kế hoạch bố trí vốn: 4,2 tỉ đồng giai đoạn 2016 – 2020, 1.099,8 tỉ đồng giai đoạn 2021 – 2025.

Theo quyết định của Bộ NN&PTNT, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiến hành tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tổng cục Thủy lợi là cơ quan chủ trì (phối hợp với Vụ Kế hoạch và các đơn vị có liên quan) thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ phê duyệt dự án, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Các đơn vị trực thuộc Bộ xử lý các công việc có liên quan trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị của Bộ NN&PTNT.

Hoàng Minh

Hoàng Minh