Cậu học trò chế “cánh tay robot” đạt giải 3 ở Mỹ đã trở về nhà

Giáo dục - Ngày đăng : 04:53, 26/05/2017

Cánh tay robot cho người khuyết tật của Huy

(Moitruong.net.vn) – Cậu học sinh Phạm Huy – người chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật đạt giải Ba cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật quốc tế trở về nhà trong sự vui mừng, xúc động của người thân, thầy cô và bà con chòm xóm.

Những ngày này, người dân thôn Bích La Hậu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và nhiều thầy cô, học sinh trường cấp 3 nơi Huy theo học không khỏi vui mừng, tự hào trước giải Ba mà chàng trai này đạt được tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật Quốc tế năm 2017 được tổ chức ở Califonia (Mỹ).

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Chiều 25/5, Ngôi nhà của Huy dường như vui tươi, rộn ràng hơn bởi đã có rất nhiều người dân, hàng xóm nghe tin Phạm Huy – chàng trai chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật trở về nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Luyện (bà nội của Huy, năm nay 73 tuổi) vẫn còn bồi hồi khi nhớ về giây phút lúc Huy bước trên thảm đỏ lên nhận giải thưởng.

“Đêm hôm đó, cả nhà ai cũng thức xem tin tức của Huy được truyền trực tiếp trên mạng, 2 giờ sáng tôi vẫn ngồi đợi ở cầu thang, xem cháu mình trên tivi, nhìn nó nhỏ xíu so với các bạn nước ngoài, tự tin bước lên nhận giải tôi rất thương, nước mắt rơi lúc nào không hay. Cảm giác lúc đó như có luồng điện chạy qua da vây.”.

02Huy mang vinh quang trở về trông sự vui mừng khôn xiết của gia đình

Khoảng 8 giờ tối (25/5), Huy cùng bố mẹ trở về nhà trong cơn mưa tầm tã. Đón huy là người thân và rất đông bà con hàng xóm. Giấy phút gặp Huy, bà Luyện, ông Vĩnh cũng nhiều người trong gia đình đã không giấu nỗi sự xúc động, mắt ai cũng rưng rưng.

Huy cho biết: “Sau khi nhận được giải thưởng em đã khóc òa vì không thể kìm được cảm xúc. Em rất vui mừng và tự hào vì sản phẩm của mình đã mang lại kết quả cao trong cuộc thi này”.

Nói về chuyến đi vừa rồi, Huy chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đi Mỹ và đi một mình nên rất hồi hộp, rất may được một người thầy hướng dẫn các thủ tục nên em cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng khi máy bay hạ cánh để quá cảnh tại Hàn Quốc thì em bị lạc, không tìm ra được chuyến máy bay để đến Mỹ. Lúc này em rất hoang mang nhưng rất may được sự giúp đỡ của nhân viên hàng không nên em đã kịp chuyến bay của mình”.

Ông Phạm Xuân Đính, bố Huy tâm sự, Huy đã một mình bay nửa vòng Trái đất, thi đấu nơi xứ người. Gia đình ai cũng lo, nín thở chờ tin con, những hôm Huy bay sang Mỹ đêm nào tôi cũng không ngủ được.

Tiếp tục cải thiện

Phạm Huy bắt đầu tìm hiểu đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” từ năm lớp 8. Trong 2 năm đầu, Huy đã tìm hiểu thuật toán để thực hiện đề bài và tiến hành hoàn thiện sản phẩm trong năm nay. Cánh tay robot của chàng trai Quảng Trị là một trong 5 đề tài giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khoa học phía Bắc năm học 2016 – 2017 mới đây.

03Huy cùng người thân sửa sang lại góc học tập

Huy cho biết, hiện nay tai nạn giao thông ngày càng gia tăng cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị khuyết tật, trong khi đó thu nhập của người Việt Nam chưa cao. Do vậy em luôn ước mơ có thể tạo nên một thiết bị cải thiện cuộc sống của những người không may bị mất toàn bộ hoặc một phần cánh tay, có thu nhập thấp.

Nói về nguyên lý hoạt động của cánh tay, Huy chia sẻ, “Cánh tay này dùng cử động của ngón chân, bàn chân để điều khiển cử động các ngón tay, bàn tay và cả cánh tay. Thiết bị có sử dụng các bộ cảm biến làm mạch phát tín hiệu gửi đến mạch điện tử gắn trên cánh tay robot bằng sóng điện từ”.

“Cánh tay robot” có điểm mới là sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn có độ chính xác cao. Chỉ cần một tệp in gốc có thể tạo ra nhiều tệp in khác nhau tùy thuộc vào dạng khuyết tật.

Theo Huy, trên thế giới và Việt Nam đã có xuất hiện sản phẩm về cánh tay cho người khuyết tật, tuy nhiên những sản phẩm có giá tương đương thì nguyên lý hoạt động khá đơn điệu.

Cụ thể, sản phẩm của Huy được làm ra với 3 triệu đồng, trên thị trường các sản phẩm cùng giá chỉ dừng lại ở cánh tay bằng gỗ hoặc nhựa mà không có mạch điện kết hợp. Những sản phẩm hiện đại điều khiển bằng sóng não thì có giá thành rất đắt (không có sản phẩm nào dưới 100.000 USD) nên người khuyết tật Việt Nam khó lòng chi trả, cơ chế vận hành cũng khá phức tạp.

04Bố Huy xúc động khi nhớ về giây phút con trai lên nhận giải

Nói về dự định trong tương lai, Huy cho biết, sắp tới sẽ lên kế hoạch phát triển cánh tay robot, em hy vọng sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào đó chung sức với mình để phát triển đề tài này một cách hoàn thiện, để sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, sớm được đến với những người khuyết tật có thu nhập thấp.

Trước đó, Phạm Huy với dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tham dự cuộc thi Intel ISEF tổ chức tại Mỹ vào 12 – 22/5. Nam sinh này từng 2 lần bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa. Đến ngày khai mạc, em mới nhận được visa từ lần phỏng vấn đặc cách lần thứ 3 và tự bay qua Mỹ một mình do đoàn Việt Nam di chuyển từ trước.

Chung cuộc, đoàn Việt Nam có tất cả 9 giải thưởng ở 2 hạng mục giải thưởng. Trong đó, nam sinh lớp 11 Phạm Huy, với đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” nhận giải 3 ở lĩnh vực robot và thiết bị thông minh. Bốn đề tài khác cùng nhận giải 4 ở 3 lĩnh vực, gồm 2 đề tài của các học sinh Vũ Nam Anh và Trần Khuê (THPT chuyên thuộc Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội), Đỗ Mai và Bùi Quân (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) ở lĩnh vực hoá học. Hai em Phạm Tân và Chu Minh Đức ở lĩnh vực hệ thống nhúng. Em Trần Thị Thu (THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng) ở lĩnh vực phần mềm hệ thống.

H.Đội

H.Đội