Ông Nguyễn Minh Khuyến: Xây dựng thống nhất về quản lý tài nguyên nước để quản trị hiệu quả
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:00, 04/11/2021
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
PV: Thưa ông, hiện nay an ninh nguồn nước đang đứng trước nhiều thách thức, là vấn đề cấp thiết hiện được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông, hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Hiện nay, khung pháp lý về quản trị tài nguyên nước đã tương đối toàn diện, tuy nhiên còn chưa cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, trách nhiệm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, bảo vệ và phát triển rừng, cung cấp nước cho công nghiệp, nước sạch cho sinh hoạt đã được từng bước quan tâm, chú trọng. Đã cơ bản đủ nước sạch cho các đô thị và 88,5% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, người dân được hưởng các chính sách như không thu tiền dịch vụ thủy lợi, giá nước cho sản xuất và sinh hoạt thấp hơn nhiều so với giá thành… Tuy nhiên, công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn thiếu cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ, còn chưa hiệu quả. Kinh phí bố trí cho điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số…còn thiếu và chưa đồng bộ để giải quyết đứt điểm những vấn đề đặt ra.
PV: Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để ứng phó với tình trạng suy giảm nguồn nước, nguy cơ thiếu nước sạch, cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Trong khoảng 30 năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề thiếu nước, với mức bình quân thấp hơn mức bình quân của Thế giới, chỉ khoảng 4000m3/người/năm. Thực trạng thiếu nước cũng xảy ra ở nhiều nơi. Các số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nguồn tài nguyên này đang suy giảm và chịu ảnh hưởng bởi bên ngoài rất nhiều, có đến 63% trữ lượng nguồn nước là nước ngoại sinh. Trong khi nhu cầu sử dụng nước trong 30 năm trở lại đây đã tăng lên gấp 3 lần.
Nguồn nước cũng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Về thời gian, từ tháng 6-9 lượng nước chỉ đủ bảo đảm 20-30%. Về không gian, từ các tỉnh miền Bắc cho tới TP. Hồ Chí Minh, nước chỉ chiếm khoảng 40% nhưng GDP và dân số chiếm tới 80%. Trong khi đó, tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 60%.
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nước rất thấp, thất thoát khoảng 25% và các công trình thủy lợi hiệu quả chỉ đạt 50-90% so với năng lực thiết kế. Áp lực kinh tế – xã hội, dân số tăng, ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị, khu công nghiệp… khiến lượng nước thiếu so với nhu cầu khoảng 20-30%. Dự kiến đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng hơn 32%.
Khả năng tiếp cận nước sạch và nước an toàn của Việt Nam rất thấp. Có tới 8% các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên nước gặp sự cố về nước. Đơn cử như tại Nhà máy nước Sông Đà gặp khó khăn nhiều trong việc tiếp cận nguồn nước.
Tác động của biến đổi khí hậu đến quá sớm, nước biển dâng, tỷ lệ che phủ rừng cũng giảm đi nhiều trong khi hệ thống quản trị nước còn nhiều bất cập. Chưa có sự thống nhất nên hiệu quả quản lý, quản trị chưa cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á thì việc quản lý nguồn nước của Việt Nam chưa có sự thống nhất nên hiệu quả quản lý, quản trị chưa cao. Việc quản lý nước ở các dòng sông đang bị chia năm, sẻ bảy vì các ngành đều có quyền sử dụng và khai thác trên đó. Cũng chính vì vậy, khi xảy ra vấn đề rất khó quy trách nhiệm đâu là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Theo Nghị quyết 99/NQ-CP, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng một bộ luật thống nhất về quản lý tài nguyên nước và các Bộ sử dụng nước với số lượng lớn chứ không phải quản lý nguồn nước đơn thuần như hiện nay.
PV: Một nội dung quan trọng, đó là việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước được kỳ vọng sẽ làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Căn cứ vào đặc điểm tình hình, nhu cầu phát triển của đất nước cũng như bối cảnh chung của thế giới, khu vực nào cần phát triển thì cần ưu tiên điều tra trước. Căn cứ vào sơ đồ phát triển này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và trình Chính phủ Đề án Kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trước đây, kiểm kê sẽ được thực hiện 3 năm 1 lần, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chúng tôi nhận thấy kiểm kê tài nguyên nước không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, và hơn 17 năm đề án này mới được Chính phủ phê duyệt. Theo đánh giá, đề án này cần nguồn lực tương đối lớn, theo Quyết định số 1383 của Chính phủ phê duyệt đề án này thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ có bộ chỉ số về tài nguyên nước và đây là bộ chỉ số được công bố lần đầu. Tài nguyên nước được coi là tài sản công, theo Điều 53 của Hiến pháp thì tài nguyên này cần được quản lý theo Luật Tài sản công.
Đề án sẽ có đầy đủ những thông tin về mùa kiệt, tháng kiệt… Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta thiếu vào những tháng mùa khô chứ tổng lượng nước cả năm không thiếu. Như Israel, họ có nhà máy xử lý 600.000m3/ngày đủ cho nền kinh tế, công nghệ có thể tái chế tới 80% lượng nước. Còn tại Việt Nam, mới chỉ đặt mục tiêu xử lý 20-30% vào năm 2030 và còn rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, phải cụ thể hóa kế hoạch sử dụng cho phù hợp với các nhu cầu.
Để đạt được những kết quả này cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các bộ sử dụng nhiều tài nguyên nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải. Các bộ này cũng sẽ cam kết tham gia vào đề án kiểm kê này. Và với sự phối hợp đó, hy vọng chúng ta sẽ có bức tranh toàn diện về tài nguyên nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Dung