Việt Nam đang đối mặt với 9 thách thức lớn về tài nguyên nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 00:20, 02/11/2021

Moitruong.net.vn – Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nước ta đang phải đối mặt với 09 nguy cơ về tài nguyên nước. Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các Khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại, do vậy khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sạch.

Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về tài nguyên nước

Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT)  cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông, hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội, cụ thể là:

Thứ nhất là, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 520 tỷ m3, chiếm 63% tổng lượng dòng chảy của các sống của nước ta.

Thứ hai là, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lưu vực sông Đồng Nai, chỉ có 4,2% lượng nước, nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm.

Thứ ba là, hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp. Hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi đều chưa khai thác đạt năng lực thiết kế mà chỉ ở mức từ 50 đến 90% tùy theo từng khu vực. Trong khi, việc điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%).

Thứ tư là, áp lực phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mẫu thuần khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến. Theo thống kê, bình quân trong vòng 10 năm qua, nhu cầu nước đã đóng gấp 3 lần. Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các Khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại. Theo mình toán, dự báo của Ngân hàng thế giới, tổng nhu cầu nước mùa khô vào năm 2030 sẽ tăng 32% so với hiện tại (theo kịch bản thông thường), gây áp lực, căng thẳng nguồn nước cho 11/16 lưu vực sông tại Việt Nam.

Tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước;

Thứ năm là, áp lực phát triển kinh tế – xã hội, ô nhiễm nguồn nước gia tăng. Áp lực phát triển kinh tế đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, tram trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, các làng nghề đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sống giảm.

Thứ sáu là, khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao. Mặc dù tổng trữ lượng nước bình quân cả nước và các tỉnh tương đối phong phú nhưng một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Trong khi nước được coi là quan trọng đối với sức khỏe, vệ sinh và nông nghiệp, nước cũng là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất. Theo khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2015 tại Việt Nam, khoảng 8% các doanh nghiệp sản xuất báo cáo có ít nhất một sự cố cấp nước không đủ trong năm trước.

Thứ bảy là, duy trì và phát triển diện tích rừng, bảo vệ nguồn sinh thuỷ. Rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông. Mất thảm thực vật là tác nhân lớn nhất dẫn đến xói mòn lưu vực, lớp đất bề mặt bị rửa trôi dẫn đến tình trạng bồi lắng và làm giảm dung tích hữu ích các hồ chứa. Trong 3 năm 2016-2018, diện tích rừng bị thiệt hại trung bình 2.430 ha/năm, giảm 270 ha/năm, tương ứng giảm 10% so với giai đoạn 2011-2015. Ước giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm 30% so với giai đoạn 2011-2015.

Thứ tám là, tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro do nước gây ra. Nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng, dự báo đến 2030 có 45% diện tích vùng ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn, làm giảm 9% năng suất lúa so với hiện nay.

Thứ chín là, vấn đề quản trị và nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về tài nguyên nước cho trước mắt và 20 – 30 năm tới. Hiện nay, khung pháp lý về quản trị tài nguyên nước đã tương đối toàn diện, tuy nhiên còn chưa cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước, với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, trách nhiệm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, bảo vệ và phát triển rừng, cung cấp nước cho công nghiệp, nước sạch cho sinh hoạt đã được từng bước quan tâm, chú trọng. Dã cơ bản đủ nước sạch cho các đô thị và 88,5% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, người dân được hưởng các chính sách như không thu tiền dịch vụ thủy lợi, giá nước cho sản xuất và sinh hoạt thấp hơn nhiều so với giá thành…Tuy nhiên, công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn thiếu cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ, còn chưa hiệu quả. Kinh phí bố trí cho điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số…còn thiếu và chưa đồng bộ để giải quyết đứt điểm những vấn đề đặt ra.

Mai Dung

Mai Dung