Ông Nguyễn Quang Huân: Tổng kiểm kê tài nguyên nước – Bức tranh toàn cảnh trong bảo vệ an ninh nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:57, 01/11/2021
Ngày 24/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ- TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 04/08/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1383/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Từ kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, kiểm kê việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá được tài nguyên nước hiện có bao nhiêu, phân bố thế nào, đang khai thác ra sao, những vấn đề gì bất cập; qua đó các cơ quan quản lý mới tính toán được các phương án khai thác, sử dụng hợp lý, ổn định và đưa ra được giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch bền vững, lâu dài.
PV: Ô nhiễm nguồn nước, suy thoái nguồn nước sạch đang là thách thức lớn cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với góc nhìn của mình, theo ông thách thức suy giảm nguồn nước sạch sẽ tác động đến chúng ta như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huân: Theo định nghĩa Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, an ninh nguồn nước bao gồm: Thứ nhất, phải đảm bảo trữ lượng nguồn nước từ đầu nguồn. Thứ hai, phải đảm bảo sử dụng nước một cách hiệu quả, công bằng với mọi đối tượng. Thứ ba, phải phòng tránh ô nhiễm. Nếu ba vấn đề trên chúng ta đều làm tốt thì an ninh nguồn nước cơ bản được đảm bảo.
Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam
Về trữ lượng nước, chúng ta phải chấp nhận rủi ro có đến 63% trữ lượng là nước ngoại sinh. Về nước nội sinh chỉ có hơn 37%, tức là khoảng 320 tỷ m3, nước ngầm chỉ có 63 tỷ m3/năm. Trong đó ượng nước ngầm là tài nguyên vô cùng quý giá mà chúng ta phải dự trữ, trong trường hợp có thiên tai, hiểm họa tự nhiên, chiến tranh khiến không thể tiếp cận với nguồn nước mặt thì nước ngầm sẽ trở nên cực kỳ quý giá. Nếu khai thác một cách bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các tầng nước ngầm và nguy cơ ô nhiễm sẽ càng ngày càng cao. Việc phục hồi lại tầng nước ngầm sẽ tốn rất nhiều thời gian, có khi đến hàng trăm năm, vì vậy phải hết sức lưu giữ và bảo quản. Còn về 37% trữ lượng nước nội sinh thì nằm trên các con sông và phân bổ không đều, dẫn tới trong mùa hạn khi chúng ta cần sử dụng đến nước nội sinh sẽ là một bài toán nan giải cho các nhu cầu sinh hoạt và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Việc sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả, công bằng với mọi đối tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, giá trị gia tăng của một mét khối nước tại Việt Nam đang rất thấp. Theo số liệu của Bộ, chúng ta mới chỉ đạt 0,37$/m3 nước, chỉ bằng ¼ so với Trung Quốc, Nhật Bản… Còn theo số liệu của Thế giới thì cả nền kinh tế của chúng ta chỉ đạt 2,37$/m3 nước, bằng 1/8 so với mặt bằng chung của thế giới. Có thể thấy hiệu quả sử dụng nước của chúng ta là rất thấp. Vì vậy, cần nghiên cứu để đưa ra lộ trình cải thiện điều này. Vì chúng ta không chỉ sử dụng nước cho người dân mà còn sử dụng cho cả nền kinh tế. Hiện 83-85% nước được sử dụng cho ngành nông nghiệp, nếu đạt giá trị gia tăng thấp thì hiệu quả của tài nguyên nước cũng bị thấp đi. Trong khi nước sinh hoạt chúng ta chỉ sử dụng khoảng 3%, công nghiệp khoảng 5% còn lại là thủy sản và phi nông nghiệp. Nếu không thay đổi, thì dù là quốc gia có nhiều sông ngòi thì vẫn sẽ thiếu nước.
Một yếu tố cần quan tâm khác là mỗi ngày có khoảng 60 nghìn tấn rác thải cần xử lý, một năm có khoảng 22 triệu tấn rác. Trong khi đó, việc xử lý rác thải không đáng kể, chúng ta mới chỉ thu gom, xử lý rất hạn chế, còn phần lớn rác thải vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Nếu xử lý lớp lót đáy tại các bãi rác không tốt thì sẽ ô nhiễm sang nguồn nước ngầm. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện chỉ có 12-14% nước thải được xử lý, còn lại thì không xử lý mà đổ ra sông, hồ. Mỗi ngày 3 tỷ m3 nước thải không được xử lý. Ngoài ra còn một nguồn ô nhiễm nước cực kỳ nghiêm trọng nữa là ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu được dùng cho cây trồng nông nghiệp hiệu quả, còn lại là bị xả trôi do mưa lũ hoặc do phương pháp tưới của chúng ta. Còn theo số liệu của của Viện Khoa học nguyên tử, thì số liệu thuốc bị rửa trôi có thể lên đến 70%.
Có thể nói rằng, chúng ta sử dụng nguồn nước không hiệu quả, chưa có cơ chế bảo vệ rõ ràng nguồn nước sạch để sử dụng lâu dài. Ngoài ra, hằng năm chúng ta đang lãng phí 1-2% GDP để phòng chống thiên tai, thảm họa. Nếu như đảm bảo được an ninh nguồn nước thì chúng ta sẽ có thể xử lý được vấn đề này, từ đó giúp chúng ta tránh được việc thiếu nước sạch.
PV: Ông có kỳ vọng như thế nào từ những quy hoạch, đề án tổng kiểm tra, kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.
Ông Nguyễn Quang Huân: Vấn đề tài nguyên nước đã được toàn xã hội, cả hệ thống chính trị và toàn nhân dân quan tâm. Vì vậy, theo tôi trong thời gian tới các vấn đề về nước sẽ được cải thiện. Vì nếu chúng ta không bắt tay vào làm ngay từ bây giờ, thì 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng, bất kể mùa mưa hay mùa khô vì ô nhiễm.
Quyết định 1383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê nguồn nước, theo tôi đây là bước đi đầu tiên, cơ sở khoa học đầu tiên để tiến hành quy hoạch. Vì hiện nay nếu chúng ta muốn quy hoạch, muốn giảm nước thừa, tăng nước thiếu, giảm nước ô nhiễm thì phải có chiến lược cụ thể. Hiện nay các số liệu của chúng ta phần lớn lấy từ các tổ chức quốc tế, còn trong nước vẫn chưa có kho lưu trữ số liệu quốc gia.
Tổng kiểm kê tài nguyên nước – Bức tranh toàn cảnh trong bảo vệ an ninh nguồn nước
PV: Căn cứ vào kết quả của hoạt động kiểm kê, điều tra cơ bản tài nguyên nước, ông có đề xuất nào để quản lý nguồn tài nguyên nước bền vững?.
Ông Nguyễn Quang Huân: Việc thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025, đây là dịp rất tốt để chúng ta có một bức tranh toàn cảnh. Từ đó thống nhất chúng ta đang thiếu khuyết điều gì trong bảo vệ an ninh nguồn nước, vì nước liên quan đến rất nhiều yếu tố, chúng ta cần khắc phục dần dần và phải có lộ trình. Những điều dễ làm phải thay đổi ngay như trồng cây sinh thủy đầu nguồn, không có lý do gì để chậm trễ cả.
Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang thiếu hụt cơ chế tiếp cận kinh tế thị trường. Như các vấn đề về hồ đập. Chúng ta xây dựng hồ, đập với số lượng rất lớn, hơn 1.000 hồ, đập. Ban đầu ngân sách đầu tư xây dựng rất lớn nhưng do quá trình sử dụng, công tác quản lý vận hành chưa tốt, không duy tu, bảo dưỡng dẫn tới xuống cấp trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, trong đó có một nguyên nhân là do thiếu vốn, và việc thiếu vốn này là do chúng ta không vận hành theo kinh tế thị trường. Nếu hồ, đập mà tới 10 năm mới tiến hành bảo dưỡng một lần và chỉ lấy nguồn kinh phí từ nhà nước thì đấy sẽ là gánh nặng rất lớn. Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu chính sách để khắc phục vấn đề này.
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, hiện chúng ta chưa có cơ chế để một tổ chức nào đó vận hành bảo vệ nguồn nước. Như vấn đề trồng rừng để tạo nguồn sinh thủy, chúng ta phải có cơ quan, tổ chức thực hiện điều này. Nếu chỉ kêu gọi cộng đồng thì sẽ rất khó. Vì từ cộng đồng đi lên còn cần ý thức của người dân, khả năng kêu gọi được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu chúng ta có một tổ chức mà Nhà nước giao cho phụ trách việc này thì họ sẽ có cơ chế để hoạt động. Như Trung Quốc hiện nay, các cơ quan bảo vệ nguồn nước họ sẽ có một quỹ đất để khai thác, từ đó có nguồn kinh phí để đầu tư vào bảo vệ nguồn nước. Theo tôi, chúng ta nên nghiên cứu về vấn đề này, vì đây là một thành tố quan trọng trong bảo vệ an ninh nguồn nước.
Như chúng ta đã biết, Israel là nước thành công về nước, cho đến nay họ là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố đủ nước dùng cho mọi như cầu mà không phụ thuộc vào thời tiết. Họ tuyên bố điều này vào năm 2013, nhưng chúng ta phải biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay là họ đã chuẩn bị cho điều này từ năm 1939, tức là 74 năm để đạt được nguyện vọng đấy. Do vậy, chúng ta có thể thấy Israel ưu tiên vấn đề về nước như thế nào.
Về việc tái sử dụng nước, Israel đã tái sử dụng nước đến 80-90%, nếu Việt Nam đi theo con đường đấy chưa hẳn phù hợp vì chi phí cho việc này rất lớn. Hiện nay quốc gia tái sử dụng nước đứng sau Israel là Tây Ban Nha chỉ khoảng hơn 20%, có thể thấy không phải quốc gia nào cũng tái sử dụng nước, nhưng các quốc gia sẽ xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên các vùng thiếu nước như Ninh Thuận, Bình Thuận thì có thể nghiên cứu sử dụng hình thức tái sử dụng nước, thậm chí tính đến bài toán sử dụng nước biển, vì người dân có quyền tiếp cận nước sạch.
Vì vậy, theo tôi sau khi có số liệu đầy đủ thì phải xây dựng quy hoạch chính sách dài hạn, tầm nhìn xa. Để quy hoạch đi được vào đời sống thì phải có độ trễ tới hàng chục năm, nên nếu quy hoạch của chúng ta không đủ dài hạn thì sẽ không thể có những phương án tối ưu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hà