Kiến thức trong sách giáo khoa của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng 70% so với các nước
Giáo dục - Ngày đăng : 03:11, 23/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kiến thức hiện tại trong sách giao khoa của Việt Nam mới chỉ bằng 70% so với các nước. Vì thế, trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, nói là giảm tải nhưng thực tế sẽ tăng lượng kiến thức lên 100% như các nước khác.
Hội thảo quốc tế phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
Tại Hội thảo quốc tế phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổ chức Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng ngày 22/11, GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: “Vấn đề quá tải cho đến nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong giáo dục và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, xã hội lại đang hiểu chưa đúng về quan niệm thế nào là “tải”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kiến thức hiện tại trong sách giáo khoa của Việt Nam mới chỉ bằng 70% so với các nước. Vì thế, trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thế, nói là giảm tải nhưng thực tế sẽ tăng lượng kiến thức lên 100% như các nước khác.
Chương trình mới sẽ cắt giảm kiến thức rời rạc, không tích hợp để tăng những kiến thức tích hợp lên”.
GS Đinh Quang Báo cũng cho biết thêm: “Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông giáo viên cần được bồi dưỡng để có thể phân tích được những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, hoạt động giáo dục, sách giáo khoa môn học.
Hình thành được các kĩ năng vận dụng các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng đổi mới chương trình theo định hướng tích hợp, kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kĩ năng nhận ra và giải quyết các tình huống giáo dục; xây dựng các chủ đề giáo dục phù hợp địa phương; kĩ năng tham vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp…
Bên cạnh đó cũng cần năng lực phát triển nghề nghiệp trong tập thể sư phạm nhà trường, đặc biệt tổ chức các hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường, nghiên cứu bài học…
Ngoài ra, giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng sao cho họ vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học, chuyên đề ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề. Đó là giải pháp lâu dài, bền vững mà trước hết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
Chúng ta cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng, tích hợp. Lưu ý rằng đào tạo vốn tri thức rộng sẽ càng làm cho giáo viên có hiểu biết sâu sắc hơn nội dung khoa học đơn ngành.
Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có để có giáo viên cốt cán chuyên sâu về từng môn học, chuyên đề tự chọn định hướng nghề nghiệp. Trước mắt khi mỗi trường chưa đủ, có thể tổ chức đội ngũ giáo viên chuyên sâu này theo cụm trường để thỉnh giảng chéo giữa các trường, kể cả việc mời người dạy từ các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học; cũng có thể ghép nhóm học sinh có cùng lựa chọn ở các trường THPT trong cùng địa bàn.
Mỗi nhà trường khi xây dựng chương trình giáo dục nhà trường phải tổ chức các bộ môn, các nhóm giáo viên cùng trao đổi học thuật, thiết kế các chủ đề tích hợp qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên.
Các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế chương trình sao cho sinh viên vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp các khoa học, vừa được lựa chọn để được đào tạo chuyên sâu các môn học, chuyên đề tự chọn.
Các địa phương cũng cần thường xuyên bồi dưỡng cập nhật chuyên sâu các môn học, chuyên đề tự chọn, và coi đây là một nội dung của phát triển chương trình nhà trường”.
Theo Infonet