“Nghề giáo làm mới tôi hằng ngày”
Giáo dục - Ngày đăng : 23:00, 13/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, nhưng vẫn dành cả thời gian viết văn, giãi bày suy tư về thế sự qua mỗi trang viết, trong vai trò nào, thầy cũng luôn cố gắng nỗ lực để “diễn tròn vai”. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh
Trong danh xưng là PGS.TS, nhà giáo, nhà báo, nhà văn thầy yêu thích nhất là vai trò nào?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Nghề nào tôi cũng yêu thích, vì đó là nghề. Tôi vào nghề bằng nghề giáo, học sư phạm Văn, mà tôi lại đi làm báo. Tôi yêu nghề báo và thấy mình rất thiếu hiểu biết về báo chí, nên tôi đi học báo và trường giữ lại làm giảng viên báo chí. Vừa giảng dạy tôi vừa trau dồi thực tiễn, những kiến thức đó giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình giảng dạy.
PGS.TS không phải là danh xưng, mà là chức danh khoa học được công nhận về mặt chuyên môn để làm việc. Về danh xưng, tôi chỉ thích mình là Nguyễn Ngọc Oanh thôi.
Về nghề nghiệp, tôi là nhà giáo, nhà báo và tôi có một chút thời gian dành để viết văn. Chỉ là viết văn thôi, không dám nhận là nhà văn. Báo và văn có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên có những thứ báo chí không truyền tải được thì dùng văn chương, văn chương có vẻ không đụng đến ai, nhưng thực ra lại đụng đến rất nhiều người.
Vì thế, tôi yêu tất cả các danh xưng đó và cố gắng để trau dồi kiến thức. Tôi đã từng chia sẻ với con tôi là phải đi làm thầy giáo, còn rất nhiều câu hỏi của cuộc đời, của sinh viên, của mọi người mà tôi chưa trả lời được, nên tôi yêu nghề giáo nó làm mới tôi hằng ngày.
Trong nghiệp cầm bút của thầy, thầy dành rất nhiều tâm huyết dành cho trẻ em. Được biết, thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Kĩ năng viết báo cho trẻ em”, bên cạnh đó thầy còn đảm nhiệm vai trò là Thư ký tòa soạn website Báo chí với trẻ em. Có lí do đặc biệt nào cho câu chuyện này không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Con người ta lớn lên từ trẻ em. Tôi say mê về vấn đề này trước hết là tôi tôn trọng thời thơ ấu của tôi, của con tôi, cháu tôi.
Khi giảng dạy ở Học viện, tôi từng tham gia làm điều phối viên cho dự án về quyền trẻ em, nghiên cứu về những vấn đề trẻ em liên quan đến truyền thông và tôi nhận ra trẻ em có rất nhiều vấn đề gắn bó với cuộc sống.
Sâu xa hơn, nghiên cứu từ cổ chí kim, từ Khổng Tử, các nhà đạo đức đều bắt đầu câu chuyện gia đình, câu chuyện giáo dục đều bắt đầu từ trẻ em.
Nếu lấy trẻ em làm trung tâm, nhà báo có thể nói về tất cả các lĩnh vực của xã hội. Tất cả các vấn đề báo chí về trẻ em đều có thể áp dụng cho người lớn, nhưng chưa chắc đã có chiều ngược lại.
2 cuốn truyện cực ngắn “Chuyện kể trong thang máy” đã ra đời, nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ độc giả. Cảm hứng từ đâu để thầy có thể viết ra những câu chuyện ngắn hài hước, châm biếm, khiến người đọc phải suy ngẫm, đôi khi là “cười ra nước mắt” đến như vậy?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Có nhiều thể loại báo chí gần với văn học, nghệ thuật. Nghề báo cho ta tiếp xúc và phải tìm cách ứng phó với nhiều loại người, hạng người. Nếu chịu khó suy tư thì bản thân những câu chuyện trong cuộc sống đã chất chứa đầy hàm ý, có chút hài hước, chút mâu thuẫn, rất “con người” trong đó. Tìm được những thứ trong đó sẽ có được những câu chuyện hài hước, “cười ra nước mắt” đứng trên luật pháp và đạo đức xã hội.
Văn chương có chất liệu từ cuộc sống và có cả sự hư cấu. Có những câu chuyện đã ở trong sổ tay phóng viên của tôi từ khi tôi bắt đầu vào nghề, nhưng thời điểm đó lại không viết được. Để những câu chuyện đó không trở thành tầm thường, vặt vãnh thì phải có sự tưởng tượng.
Ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, thầy còn tham gia nhiều talkshow trên truyền hình như “Chuyện đêm muộn”, “Những góc nhìn”… Những talkshow này đem lại cho thầy những gì?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Lúc tôi là thầy giáo, tôi phải có bài báo khoa học, phải nghiên cứu, phải lên lớp đủ giờ giảng và truyền cho sinh viên được niềm say mê. Khi đó tôi mới hoàn thành nhiệm vụ của người thầy giáo.
Ngoài ra, khi viết văn, tôi thể hiện được tâm tư, suy lắng của mình đối với xã hội, gia đình. Khi tham gia talkshow, tôi thể hiện vai trò của một nhà báo nhìn nhận cuộc sống. Việc tham gia các chương trình làm tôi nâng cao tính thực tiễn trong mình, khiến mình không bị cũ đi.
Người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, điều đó có đúng với chuyện làm nghề của thầy không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Câu này đúng, với tất cả mọi người, quan trọng là phải tìm thấy và yêu nghề của mình.
Về sự nghiệp, tôi thấy mình gặp may. Đúng hơn là tôi làm việc trách nhiệm. Khởi đầu của tôi không tốt, thi trượt đại học, tôi đi học cao đẳng rồi tự rèn nghề từ thực tiễn. Sau đó tôi quyết tâm học tiếp, may mắn vào được môi trường đúng sở trường viết lách, vì bố tôi cũng là nhà báo, từ nhỏ đã được cho đọc sách báo. Nhà tôi rất nghèo, nhưng sách lúc nào cũng đầy đủ. Lương mẹ tôi 40 đồng một tháng, nhưng bà bỏ ra 4 đồng cho tôi mua cuốn truyện tôi thích, cuốn “Đứa con của đất” của nhà văn Anh Đức, cả hiệu sách chỉ có 2 cuốn, tôi mua một cuốn. Bố mẹ đặt báo cho tôi đọc hằng tuần. Tôi sống ở vùng quê khá hẻo lánh, nếu không có sách thì tôi sẽ không biết gì về thế giới bên ngoài.
Có người nhận xét thầy “nói ra thơ, thở ra văn”. Thầy có hài lòng về lời nhận xét đó không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Nhận xét thế nào là quyền của công chúng, mình thích hay không thích cũng không làm được gì, giống như câu chuyện trời nắng và trời mưa. Những người đi bán hàng thích trời nắng thì bánh đa không bị ỉu, khen trời thật tốt, nhưng những người nông dân lại thích trời mưa.
Tuy nhiên, tôi rất trân trọng những góp ý, kể cả người ta mắng mình. Nhiều người bình luận về các câu chuyện của tôi, tôi đều cảm ơn hết. Cảm ơn vì câu chuyện của tôi đã được lắng nghe.
Thầy Oanh trong chuyến thăm trường Đại học Stanford
Trong hoạt động ngoại giao, thầy đã được đặt chân đến nhiều quốc gia, hưởng thụ nhiều nền văn hóa, vậy thầy cảm thấy yêu thích quốc gia và nền văn hóa nào nhất?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Trong các chuyến đi nước ngoài, ngoài đi học, tôi được thăm và tìm hiểu văn hóa để đưa kiến thức đó vào bài giảng của mình. Mỗi một nơi có nền văn hóa, văn minh khác nhau. Mình không thể đứng ngoài những điều đó được.
Yêu thích thì rất nhiều, ở đây tôi muốn nói về sự khác biệt. Ở Thụy Điển, khi được mời đi sinh nhật và nếu có ý định dùng bữa tối ở đó, bạn phải chuyển vào tài khoản của chủ nhà 10$. Một quốc gia rất minh bạch, đó là điều mà người Việt Nam chưa học được.
Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn trẻ muốn có ý định đi du học để hòa nhập được môi trường mới mà không mất đi bản sắc dân tộc không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Năm 2003, con tôi đi học nước ngoài. Tôi nói, thứ nhất, phải yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Người ta cho tiền, rủ đi biểu tình cũng không được đi, vì thế là phản bội cha ông, Tổ quốc.
Thứ hai, phải học họ kiến thức, kĩ năng vì người ta có nền văn hóa, tri thức, công nghệ cao hơn mình. Tìm đến chỗ hay thì học, càng học được nhiều càng tốt. Cố gắng đi được nhiều nhất, mở rộng tâm hồn và góc nhìn của mình ra thì sẽ thấy cuộc sống rất phong phú.
Ngoài vai trò và nhà giáo, nhà báo, nhà văn, thầy còn muốn thấy mình trong vai trò nào nữa không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Đó là vai trò làm ông của hai cháu nội, dành thời gian cho cháu đi chơi, về quê. Cháu tôi yêu ông vì tôi tạo cho cháu nhiều điều thú vị. Thay vì về thăm cụ, tôi sẽ nói “về quê thăm cụ và cho kiến ăn”, biến những câu chuyện đó thành hài hước. Tôi mua hạt giống, tuần này về gieo thì tuần sau về xem cây mọc thế nào.
Trải qua quá trình làm việc kiêm nhiệm nhiều vị trí, điều quý giá nhất đối với thầy là gì?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Tôi cảm thấy mình học được nhiều điều. Học cách tiếp cận với sinh viên, học cách làm việc với đồng nghiệp khi làm chương trình, học được cách nhìn nhận cuộc sống hài hước.
Tôi có thể chia sẻ với mọi người cái mà mình nhận thức, đó là cái được nhất. Kiến thức là hữu hạn thôi, những kiến thức mình có khiến cho bản thân mình tự tin, vững vàng trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn thầy!
Hoài Thu