Chủ động ứng phó hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 vùng ĐBSCL

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:30, 28/12/2021

Moitruong.net.vn – Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022 khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về việc triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 vùng ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, lũ năm 2021 ở vùng ĐBSCL thuộc loại lũ nhỏ (dưới báo động I), dòng chảy sông Mekong hiện đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Cùng với đó, Biển Hồ (Campuchia) – nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện nay ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 3 tỷ m3, cao hơn năm 2015 khoảng 11,4 tỷ m3 và cao hơn năm 2019 khoảng 11,6 tỷ m3. Tổng lượng nước trữ bình quân của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hiện đang ở mức 80% dung tích thiết kế.

Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và thế giới, năm 2022 tiếp tục là năm ít nước trên lưu vực sông Mekong. Trong các tháng đầu mùa khô, khả năng các hồ chứa ở thượng nguồn sẽ hạn chế xả nước.

Do vậy, dòng chảy trên dòng chính sông Mekong sẽ giảm nhanh, lượng nước về ĐBSCL các tháng đầu mùa khô năm 2021-2022 khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và nguy cơ thay đổi bất thường theo thực tế vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn.

Công trình cống Sông Kiên góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang.

Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022 khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trong các tháng mùa khô năm 2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thiếu hụt từ 10 đến 15% so TBNN. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các đợt xâm mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ từ ngày 28/1/2022 đến 3/2, 26/2 đến 5/3, 28/3 đến 3/4 và 29/4 đến 4/5.

Tuy nhiên, với sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ngay từ bây giờ, cùng với kinh nghiệm sống chung với hạn, mặn của người dân vùng ĐBSCL, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021-2022, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn.

Các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2021-2022 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.

Địa phương khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các địa phương rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; Tính toán, cân đối nguồn nước, tăng cường xây dựng các ao trữ nước phân tán, bảo đảm có đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, duy trì sức sống cho cây trồng.

Đồng thời tiếp tục chú trọng bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp, đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2021-2022 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; Ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

Các đơn vị tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn…; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Địa phương tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Cùng với đó là tiếp tục tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân; sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong các tháng mùa khô năm 2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thiếu hụt từ 10 đến 15% so TBNN. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các đợt xâm mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ từ ngày 28/1/2022 đến 3/2, 26/2 đến 5/3, 28/3 đến 3/4 và 29/4 đến 4/5. Tuy nhiên, với sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ngay từ bây giờ, cùng với kinh nghiệm sống chung với hạn, mặn của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm