Ninh Thuận: Chuẩn bị phương án đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:31, 29/03/2022
Năm 2022, Công ty Thủy nông Ninh Thuận định hướng tiếp tục phát triển thuỷ lợi nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi và dân sinh kinh tế. Đảm bảo an ninh, ổn định nguồn nước trước sức ép gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, những biến động bất lợi của thời tiết, nâng cao đời sống của nhân dân hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi, duy trì và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần chống hạn trong mùa khô và chống lũ trong mùa mưa. Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch cấp nước cho diện tích tưới 73.793 ha, tiếp tục cung cấp đủ nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Ninh Thuận (gọi tắt Công ty Thủy nông) cho biết, trong vụ đông xuân 2021-2022 diện tích gieo trồng thuộc hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý là 27.971,75ha, đạt 103% so với kế hoạch UBND tỉnh Ninh Thuận giao.
Diện tích tăng so với kế hoạch là do khai thác diện tích thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và hồ Ông Kinh, Tà Ranh tích đủ nước để cấp cho toàn bộ diện tích tưới trong hệ thống.
Hồ Thành Sơn (Ninh Thuận)
Theo báo cáo, đến thời điểm này dung tích trữ tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Công ty Thủy nông Ninh Thuận quản lý đạt trên 134 triệu m3, chiếm 69% tổng dung tích thiết kế. Đây là con số cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 45,8% và 9,8 % so với năm 2021. Hiện nay lúa đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch, do đó từ nay đến cuối vụ việc cấp nước cho lúa không nhiều.
Ông Lê Phạm Hòa Bình cho biết, căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong thời gian tới và tình hình nguồn nước hiện tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và hồ chứa Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận qua Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim.
Sau khi cân đối ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt trong vụ hè thu khoảng 11,13 triệu m3 nước, trong đó nước hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước chạy máy của nhà máy thủy điện Đa Nhim là 10,24 triệu m3 nước, chăn nuôi 1,4 triệu m3 và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh 2,2 triệu m3 nước, trong vụ hè thu năm 2022 công ty sẽ điều tiết cấp nước tưới cho 24,2 nghìn ha.
Trong đó cây lúa chiếm 13,5 nghìn ha, cây màu 10,2 nghìn ha và thủy sản 370ha, tăng trên 2.353ha so với kế hoạch đầu năm do UBND tỉnh Ninh Thuận giao.
Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, các hệ thống đập dâng hưởng lợi từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ điều tiết, cấp nước cho diện tích đất sản xuất thuộc khu tưới của các đập dâng Sông Pha và Nha Trinh – Lâm Cấm với tổng diện tích tưới là 15,2 nghìn ha. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sẽ điều tiết cấp nước tưới cho diện tích đất sản xuất thuộc kênh chung và các tuyến kênh nhánh thuộc kênh chính của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với tổng diện tích tưới là 1,1 nghìn ha.
Còn lại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh sẽ điều tiết, cấp nước tưới cho tổng diện tích 7,2 nghìn ha. Đối với các đập thời vụ và trạm bơm trên sông, Công ty Thủy nông sẽ tập trung điều tiết nước cho các đập thời vụ trên địa bàn huyện Thuận Bắc và một số trạm bơm trên sông với tổng diện tích là 531ha.
Tiết kiệm nước hiệu quả đảm bảo đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt
Để việc điều tiết nước hiệu quả, Công ty Thủy nông Ninh Thuận sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT làm việc với Công ty CP thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đồng thời đơn vị cũng theo dõi tình hình chạy máy của nhà máy thủy điện Đa Nhim để phối hợp chặt chẽ với nhà máy này trong việc điều tiết hồ Đơn Dương thật chi tiết và hợp lý. Cùng với đó là tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở NN-PTNT Ninh Thuận có ý kiến đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty CP thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi điều chỉnh lưu lượng chạy máy phát điện phù hợp với nhu cầu hạ du.
Trong vụ hè thu năm 2022, Công ty Thủy nông Ninh Thuận sẽ điều tiết cấp nước tưới cho 24,2 nghìn ha. Ảnh: Mai Phương
“Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô và xây dựng kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu cũng như sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2022”, ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thủy nông Ninh Thuận nói.
Đối với các hệ thống đập dâng trên Sông Cái hưởng lợi trực tiếp từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, Công ty Thủy nông Ninh Thuận cũng tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh Chính. Vận hàng hợp lý các cống lấy nước tại thủy khẩu để ưu tiên nguồn nước cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm và các khu tưới vùng cuối kênh.
Để tiết kiệm tối đa nguồn nước trong vụ hè thu 2022, công ty sẽ phối hợp với các địa phương nhằm duy trì, điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông – lộ – phơi. Cùng với đó, Công ty Thủy nông Ninh Thuận phối hợp với các địa phương căn cứ khung lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng từng vụ cụ thể theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để tổ chức chỉ đạo sản xuất; có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng nhằm mục đích rút ngắn thời gian gieo sạ để tiết kiệm nước tưới.
Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, công ty cũng phối hợp với các địa phương để rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng giảm dần diện tích đất lúa. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, vùng gò đồi, cuối kênh sang cây trồng cạn sử dụng ít nước như các loại cây rau, đậu, bắp, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi… Tại các khu vực tưới bằng trạm bơm không gieo lúa mà chuyển dần sang gieo trồng cây màu có hiệu quả, bền vững.
“Ngay khi kết thúc vụ đông xuân 2021-2022, chúng tôi sẽ đóng nước tại các công trình thủy lợi để tập trung nạo vét khơi thông dòng chảy và tu sửa nâng cấp công trình nhằm đảm bảo cấp đủ nước trong thời gian tới”, ông Lê Phạm Hòa Bình cho biết.
Cũng theo ông Lê Phạm Hòa Bình, cùng với các biện pháp trên, đơn vị sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nắm bắt tình hình, chủ động ứng phó hạn hán nhằm hạn chế thiệt hại. Đồng thời thông tin về kế hoạch điều tiết nước, chủ động có kế hoạch lấy nước nhằm sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đảm bảo đủ nước cung cấp lâu dài cho vùng hạ lưu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Trọng Huy