Quảng Ngãi: Cấp bách triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 04/03/2022
Theo thống kê của chính quyền huyện Lý Sơn, nếu như năm 2012, toàn huyện đảo chỉ có 546 giếng khoan và giếng đào, nay con số này đã tăng lên khoảng 2.200 giếng. Trong đó, giếng đào khoảng 940 cái, số còn lại là giếng khoan thủ công và khoan máy. Với toàn bộ số giếng trên, ước tính tổng trữ lượng khai thác nước thực tế khoảng 21.100m3/ngày, trong khi đó trữ lượng dự báo chỉ 15.700m3/ngày.
Việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Qua kiểm tra và đánh giá mới nhất từ cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nguồn nước ngầm ở Lý Sơn giảm từ 10 – 12m so với trước, kéo theo là nạn xâm nhập mặn. Suy kiệt nguồn nước ngầm đã làm ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vùng ven biển nơi có các hoạt động du lịch và nuôi trồng thuỷ sản.
Còn tại các xã ven biển huyện Mộ Đức, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ, hoạt động nuôi tôm tại khu vực ven sông, ven biển cũng đang làm suy kiệt nguồn nước ngầm, do người dân khoan giếng lấy đi một lượng nước ngọt rất lớn để phục vụ nuôi tôm. Tại khu vực nông thôn và đô thị, kết quả quan trắc của Sở TN&MT với chất lượng nước tại 12 giếng khoan thuộc huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, TP. Quảng Ngãi… đợt 1 năm 2020 cho thấy, mực nước ngầm đều sụt giảm so với năm 2019.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) cũng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt chủ yếu do tình trạng xả nước thải vào nguồn nước chưa xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sống của người dân địa phương. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, có nơi phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai về dùng hoặc phải sang các xã lân cận để mua nước, xin nước…
Nước ngầm bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn
Theo ông Nguyễn Biện Như Sơn, Phó phòng Khoáng sản – Tài nguyên nước (Sở TN&MT Quảng Ngãi), lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm do biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu sử dụng lại tăng nên mực nước ngầm sụt giảm là điều hiển nhiên.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ suy kiệt nguồn nước, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 13/12/2019; ban hành Công văn số 6032/UBND-NNTN ngày 3/12/2020 về việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành Danh mục các vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, theo đó các khu vực nằm trong vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước và vùng có khả năng ô nhiễm thực hiện tìm kiếm các nguồn nước để đảm bảo cấp nước an toàn. Thực hiện quan trắc nước ngầm trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và các vùng lân cận. Thực hiện việc quan trắc nước trên huyện đảo Lý Sơn. Để giữ và hạn chế tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngọt ngầm trên đảo, Sở TN&MT đã tham mưu và tỉnh ban hành quy định về việc đào, khoan giếng trên đảo.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để xem xét khả năng chịu tải của các sông, suối trên địa bàn. Đồng thời, đầu tư hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có số liệu cụ thể tổng quan và các cơ quan liên quan đều có thể tiếp cận việc khai thác, sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Vũ Thành – Gia Hân