Kiên Giang: Phòng Giáo dục huyện Gò Quao đang cố tình làm sai quy định?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:13, 09/05/2018

(Moitruong.net.vn) – Chiết tính dư giờ nhằm chi trả cho hoạt động giảng dạy vượt mức quy định của ngành giáo dục đối với nhà giáo, nhằm đảm bảo quyền lợi của các thầy cô trong quá trình dạy học, vậy nhưng, đã mấy năm nay, thầy Phạm Văn Út, giáo viên Trường THCS Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa được chi trả chiết tính dư giờ của mình.

Chi trả chiết tính dạy dư giờ bảo đảm quyền lợi cho giáo viên yên tâm công tác.

(Ảnh minh họa)

Mòn mỏi chờ trả tiền chiết tính dư giờ

Trao đổi với PV Môi trường & Cuộc sống – Moitruong.net.vn, Thầy Phạm Văn Út cho biết: “Tôi là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng của Trường THCS Định Hòa. Tuy nhiên, bên cạnh công việc quản lý, tôi có tham gia vào công việc giảng dạy tại trường. Trong những năm học 2013 – 2014, năm học 2014 – 2015, năm học 2015 – 2016, mỗi năm tôi dạy 108 tiết. Số tiết dôi dư này lẽ ra tôi phải được hưởng chiết tính dư giờ theo quy định”.

Cụ thể, theo sự tính toán của thầy Út: “Mỗi năm tôi dạy dư 108 tiết, vậy 3 năm học là dư 324 tiết, mỗi tiết khoảng 130.000 đồng, tổng cộng số tiền chiết tính dư giờ tôi phải được hưởng trong 3 năm học là hơn 42 triệu đồng. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà Phòng Giáo dục huyện Gò Quao không chịu trả chiết tính dư giờ cho tôi?”.

“Theo quy định, những người giữ chức vụ Hiệu trưởng dạy 74 tiết/năm,  trong ba năm sẽ là 222 tiết, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Nhưng thực tế, mỗi năm tôi dạy 108 tiết, dư 34 tiết/năm, trong ba năm tôi dạy dư 102 tiết với số tiền 13.260.000đ thì Phòng Giáo dục huyện Gò Quao phải trả tôi số tiền chiết tính dư giờ này chứ?”, thầy Út phân trần.

Phòng Giáo dục huyện Gò Quao đang cố tình làm sai quy định?

Được biết, ngày 8/3/2013, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) – Bộ Nội Vụ – Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 07 Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Thực hiện thông tư liên tịch số 07, ngày 15/04/2014, Sở GD & ĐT tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản số 460/SGDĐT-KHTC về Hướng dẫn thực hiện trả lương dạy thêm giờ đối với Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GD & ĐT Kiên Giang hướng dẫn định mức giờ dạy của chức danh Hiệu trưởng khối trường THCS là 74 tiết/ năm, từ đó căn cứ vào để trả lương dạy thêm giờ.

Tại điều 30 của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành Điều lệ trường THCS cũng quy định: “Giáo viên trường trung học là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên bộ môn, giáo viên làm công tác Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (bí thư, phó bí thư hoặc trợ lý thanh niên, cố vấn Đoàn) đối với trường trung học có cấp THPT, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (đối với trường trung học có cấp tiểu học hoặc cấp THCS).

Căn cứ vào điều 30 của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 07 của Bộ GD&ĐT, căn cứ vào văn bản số 460/SGDĐT-KHTC của tỉnh Kiên Giang thì thầy Phạm Văn Út hoàn toàn đủ điều kiện được nhận tiền chiết tính dạy dư giờ của mình. Vậy nhưng không hiểu vì sao, khi thầy Út kê khai chiết tính dạy dư giờ của mình lên Phòng GD & ĐT huyện Gò Quao đề nghị thanh toán chế độ thì được cán bộ Phòng Giáo dục cho biết thầy không được thanh toán chế độ dạy dư giờ?

Lý do cán bộ Phòng GD & ĐT huyện Gò Quao đưa ra là Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC và Hướng dẫn 460/SGDĐT-KHTC chỉ áp dụng cho giáo viên và không áp dụng cho hiệu trưởng (tức cán bộ quản lý).

Rõ ràng việc không chi trả chiết tính dạy dư giờ cho thầy Út là bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của thầy. Phải chăng Phòng GD & ĐT huyện Gò Quao đang cố tình làm sai quy định? Rất mong Phòng GD & ĐT huyện Gò Quao, Sở GD & ĐT tỉnh Kiên Giang kiểm tra lại để đảm bảo quyền lợi của thầy giáo Phạm Văn Út nói riêng và các thầy cô giáo làm công tác quản lý nói chung.

Thái Bình

Thái Bình