Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Cần đầu tư đồng bộ để xử lý triệt để vấn đề nước thải sinh hoạt
Tin hoạt động Hội - Ngày đăng : 02:00, 01/05/2022
Lượng lớn nước thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý
Theo báo cáo, hiện tại các tỉnh, thành phố mới chỉ xử lý được 15 – 30% lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước. Nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố đã có 7 nhà máy/trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ), với tổng công suất là 276.300 m3/ngày/đêm, chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện TP. Hồ Chí Minh có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000m3/ngày; Bình Hưng Hòa, công suất 46.000m3/ngày và Tham Lương – Bến Cát đang đưa vào vận hành xử lý khoảng 10.000-15.000m3/ngày trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày. Ngoài ra, các trạm xử lý nước thải phi tập trung đang vận hành hiệu quả như: Tân Quy Đông (quận 7), công suất 500m3/ngày; khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), công suất 3.700m3/ngày; khu tái định cư phường Bình Khánh (thành phố Thủ Đức), công suất 3.000m3/ ngày… Tuy nhiên, với hơn 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt đô thị thải ra mỗi ngày, thì số được thu gom và xử lý tập trung mới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến ““Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”, ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết nước sinh hoạt thường được lấy từ các nguồn nước cấp, nước mặt hoặc nước ngầm sau khi đã qua xử lý đạt yêu cầu theo quy định của nhà nước. Hiện nay, ở Việt Nam tại các thành phố lớn, các nguồn để cấp nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ nước mặt. Nguồn nước mặt nói chung và nguồn nước cấp sinh hoạt nói chung hiện nay đang có nguy cơ bị ô nhiễm. Có 4 nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị lớn gồm:
Nguyên nhân trực tiếp thứ nhất đó là cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều bất cập. Hạ tầng thu gom và xử lý nước thải của chúng ta không theo kịp quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hiện nay, chúng ta mới xử lý được khoảng 13-15% tổng lượng nước thải sinh hoạt. Vậy còn gần 90% lượng nước thải thải ra môi trường không qua xử lý.
Nguyên nhân trực tiếp thứ hai là do ý thức trách nhiệm của bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn đô thị. Các đơn vị doanh nghiệp, khu CN, CCN đều có quy định về môi trường, xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xả thải trộm, từ đó góp phần gây ô nhiễm không nhỏ cho nguồn nước.
Thứ ba, nguyên nhân gián tiếp là do quy hoạch về cấp thoát nước và quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập nên từ đó gây nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Thứ 4 là thiếu cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Có thể thấy đây là một thị trường mở, thị trường chưa được khai thác. Với các nước thì đây có thể là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng ở Việt Nam, hiện nay các nhà đầu tư còn rất rụt dè, e ngại đầu tư trong lĩnh vực này. Có thể là do các chính sách của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn và các điều kiện để đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai kinh doanh có hiệu quả chưa được đảm bảo.
Với tình trạng hệ thống hạ tầng xử lý như hiện nay thì sẽ còn xa mới đáp ứng được nhu cầu về phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là vấn đề mang tính lịch sử và khách quan, để đảm bảo được hạ tầng giống như các nước phát triển hiện nay thì chúng ta cần sự đầu tư vô cùng lớn. Theo tính toán sơ bộ để xử lý cơ bản lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở Việt Nam cần tối thiểu 10 – 20 tỉ đô. Đây là 1 lượng kinh phí lớn không dễ gì đáp ứng được. Vấn đề đặt ra là cần giải pháp khắc phục tình trạng này. Vì vậy chúng ta cần rà soát lại từ bước cơ chế chính sách, đến nguồn lực, đến công nghệ.
Thực tế cho thấy, tuy thiếu ngân sách nhưng nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ phát huy được nguồn lực xã hội cho nâng cấp cơ sở hạ tầng. Về công nghệ, do thiếu kinh phí nên lâu nay để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt chúng ta phải vay vốn ODA và chấp nhận công nghệ nước ngoài. Nếu tương lai chúng ta chủ động được nguồn tài chính thì tôi tin rằng chúng ta có đầy đủ tiềm lực về công nghệ và hoàn toàn có thể đảm nhiệm được việc thiết kế, xây dựng và vận hành không thua kém gì nước ngoài, thậm chí còn có thể hiệu quả hơn.
Cần đầu tư đồng bộ để xử lý triệt để vấn đề nước thải sinh hoạt
Chia sẻ về các cơ chế chính sách, môi trường để các cấp, các ngành và toàn xã hội triển khai thực hiện dù được ban hành nhưng thực thi còn có chỗ vướng mắc ông Đồng cho biết: Hiện nay, về cơ chế chính sách đã có hệ thống tương đối đầy đủ, có các Luật như Luật quy hoạch, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng. Luật và các văn bản dưới luật khá đầy đủ, tuy nhiên, thực tế chúng ta đều thấy quá trình cải thiện chất lượng môi trường diễn ra chậm. Ở nhiều địa phương, vần đề môi trường không được hạn chế lại còn gia tăng.
Cần đầu tư đồng bộ để xử lý triệt để vấn đề nước thải sinh hoạt
Về các giải pháp, đầu tiên chúng ta phải nhận thức rằng vấn đề nước thải sinh hoạt đối với Việt Nam là vấn đề hết sức lớn, là vấn đề tồn tại khá lâu rồi, trong điều kiện Việt Nam là nước có xuất phát điểm rất thấp, bây giờ mới bắt đầu các công cuộc về phát triển kinh tế xã hội cho nên nguồn lực của chúng ta để đáp ứng cho nhu cầu xử lý nước thải là chưa đủ. Có lẽ là chúng ta phải có lộ trình rất cụ thể. Và theo tôi, trong điều kiện mà nguồn lực của chúng ta còn hạn chế thì giải pháp của chúng ta là phải kết hợp các giải pháp trước mắt, giải pháp ngắn hạn, giải pháp trung hạn, giải pháp dài hạn. Phải kết hợp những giải pháp về cơ chế chính sách cũng như các giải pháp về đầu tư. Ví dụ như tất cả các hoạt động mà có thể góp phẩn giảm phát thải nước thải, chúng ta có thể triển khai thực hiện mà không cần đầu tư tốn kém.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta vẫn có tâm lý là nước là cái gì đó trời cho, có thể dùng thoải mái mà không phải lo lắng gì. Hiện nay với giá nước sinh hoạt nhà nước ban hành bao gồm phí bảo vệ môi trường theo tôi nghĩ còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Cho nên thu nhập thì thấp nhưng bà con dùng nước vẫn phí phạm. Tức là giảm thiểu phát thải về nước thải là giải pháp đầu tiên mà chúng ta có thể làm trong điều kiện thiếu kinh phí.
Thứ hai là hạn chế ô nhiễm nguồn nước, điều này không có nghĩa là liên quan đến hoạt động trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước thải mà gián tiếp là chúng ta không được xả thải chất thải rắn, gián tiếp là chúng ta không được làm bất cứ hoạt động gì mà cuối cùng là gián tiếp nó có thể là lan truyền ô nhiễm đến với nguồn nước. Thí dụ, khi chúng ta phát thải khí thải nếu có nhiều bụi, nhiều chất độc hại thì mưa xuống nó cũng đi vào nguồn nước.
Cuối cùng là các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nếu không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường thì sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm nguồn nước và như vậy các chi phí xử lý sẽ tăng lên. Cho nên giải pháp thứ hai là đồng bộ thì không những là phải quản lý nước thải mà chúng ta còn phải làm tốt các giải pháp về quản lý môi trường cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Ví dụ như hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu,… như thế nào, có hợp lý hay không. Cuối cùng, chúng ta cần rà soát lại các cơ chế, chính sách để làm sao thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Đối với Việt Nam, để đạt được mức độ quản lý môi trường như các nước công nghiệp phát triển trên thì là cả một sự mơ ước. Chúng ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng như trong các chỉ đạo của Nhà nước cũng đều nêu việc học tập kinh nghiệm quốc tế, phát triển hợp tác quốc tế là những giải pháp rất quan trọng để giúp cho Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Trước hết cần phải xem lại các hệ thống chính sách, cơ chế hiện hành của chúng ta để có thể khơi thông nguồn lực quốc gia và phát triển mạnh mẽ hợp tác quốc tế. Cơ chế chính sách nếu phù hợp thì chắc chắn rằng nó có thể huy động được rất mạnh mẽ nội lực của chúng ta ở trong nước cũng như phát triển hợp tác quốc tế.
Thứ hai là về nguồn lực, chúng ta biết rằng nguồn lực trong nước là quyết định, hợp tác quốc tế rất quan trọng, làm sao phát triển được cả hai nguồn lực này, tựu chung cũng phụ thuộc vào cơ chế chính sách của chúng ta. Đối với Việt Nam ngoài việc học tập các nước phát triển về thay đổi cơ chế chính sách theo hướng xã hội hóa và theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt phải có nguồn thu, thì mới bền vững được. Trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng như các quy định liên quan cũng đã đề cập đến nguyên tắc này. Hiện nay chúng ta cũng làm chưa được bao nhiêu, nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền chúng ta phải học thêm nước ngoài. Chẳng hạn như ở Đức phí trả về nước thải cao hơn phí mua nước cấp, mà cái đấy hợp lý vì xử lý nước thải rõ ràng khó hơn xử lý nước cấp nhiều.
Trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng đã nêu, đó là quy định về trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, đặc biệt là những vấn đề về môi trường. Nước ngoài người ta quản lý như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ nước ngoài, đây cũng là những quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà tôi cho là hết sức quan trọng. Hay là một loạt những nội dung khác như đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đây là nội dung rất mới và rõ ràng là nếu thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn thì gián tiếp hay trực tiếp nó sẽ giúp chúng ta cải thiện chất lượng môi trường rất lớn bởi vì nội dung chính của kinh tế tuần hoàn là giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và tăng cường quản lý về chất thải, ông Đồng cho biết thêm.
Hà Anh