Sóc Trăng: Những cựu chiến binh hiến đất xây trường

Giáo dục - Ngày đăng : 07:00, 29/08/2018

(Moitruong.net.vn) – Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang… đã có thêm nhiều phòng học mới do những người cựu chiến binh hiến đất để xây dựng, góp sức với địa phương lo cho các cháu nhỏ có thể đi học thuận tiện, an toàn.

>>>TP. Thanh Hóa: Cháy lớn ở khu phố Lê Hoàn

Vợ chồng ông Thông – bà Mận đã hiến 860m2 đất xây các lớp học điểm B Trường Tiểu học Mỹ Hương

Chuyện nhỏ mà!

Nhiều người dân tại ấp Tân Mỹ (xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) rất cảm kích với việc cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông (ngụ tại ấp Tân Mỹ) hiến đất xây phòng học.

Trước đây, hàng ngày các phụ huynh phải chèo xuồng đưa con em học lớp 1 và lớp 2 đến học tại một điểm lẻ của Trường Tiểu học Mỹ Hương B. Phòng học chỉ là căn nhà tre lá ọp ẹp, tối tăm, dễ dàng đổ sập khi mưa to, gió lớn.

Thấy vậy, ông Thông rất ái ngại cho các cháu nhỏ, nên bàn với gia đình tự nguyện hiến 120m2 đất cạnh nhà để xây dựng một phòng học khang trang giúp các em có được nơi học tươm tất, an toàn.

Bà Lê Thị Loan, ngụ ấp Tân Mỹ, nhớ lại: “Nghe chuyện ông Thông hiến đất xây phòng học, bà con ở đây mừng lắm, không còn phải nơm nớp lo âu con trẻ đi học sông nước khi dông gió. Tấm lòng hào hiệp của ông Thông thật đáng quý, đâu có dư dả gì, vậy mà sẵn sàng hiến đất”.

Còn ông Thông thì nói: “Có chi đâu, chuyện nhỏ mà! Nhà tui nghèo, đâu có của cải gì để giúp được học trò ở xóm nghèo vùng sâu này. Mà thấy các cháu nhỏ phải đi học sông nước không an toàn, một số cháu phải chịu dốt vì không có phương tiện ra huyện học. Do vậy tôi nghĩ thôi thì mình hiến đất để xây trường tại chỗ cho tụi nhỏ có điều kiện đi học. Mình đã một thời là bộ đội Cụ Hồ, nên nhớ lời Bác dạy phải hết lòng lo cho dân”.

Chưa dừng lại ở đó, trước nhu cầu phát triển trường lớp để học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 không phải vượt hơn 4km đường sông hay đường sình trơn trợt đến trường tại trung tâm xã Mỹ Hương, ông Thông lại quyết định hiến đất lần 2 với 740m2 đất còn lại của gia đình, để trường xây dựng thêm 3 phòng học nữa.

Bà Trần Thị Mận (vợ ông Thông) vui vẻ kể: “Nghe chồng bàn chuyện hiến đất xây trường, tui và 2 con đồng ý liền. Mình hiến đất để tụi nhỏ có chỗ học đàng hoàng, sau này thành người hữu ích để xây dựng quê hương mình. Tiền bạc ai không cần, nhưng phải biết hy sinh vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài chớ”.

Thầy Lê Thanh Tâm, Hiệu trưởng điểm B Trường Tiểu học Mỹ Hương, xúc động nói: “Nếu không có sự hào hiệp của vợ chồng chú Thông – cô Mận, hiến 860m2 đất, để xây dựng 4 lớp học, thì học trò tại ấp Tân Mỹ sẽ còn phải rất gian nan đến trường, nhiều em có thể phải bỏ học giữa chừng. Không chỉ vậy, dù không có bất kỳ khoản bồi dưỡng, hỗ trợ nào, chú Thông và cô Mận vẫn tự nguyện làm công việc bảo vệ lớp học, sửa chữa bàn ghế, cửa, hàng rào. Nghĩa cử đó thật đáng trân trọng”.

Hạnh phúc khi góp sức lo cho các cháu nhỏ 

Thấy các trẻ em ở ấp 4 (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) phải lội ruộng, bơi xuồng gần 4km mới đến điểm học tại xã Phong Phú, cựu chiến binh Thạch Ua (ngụ tại ấp 4) cũng đã hiến 400m2 đất để  xây 3 phòng học.

Ông Ua còn thường xuyên theo dõi việc học hành của các cháu, giúp quần áo, dụng cụ học tập cho các trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, động viên các cháu chăm ngoan, học tốt.

Tiếp đó, thấy nhiều hộ có con nhỏ mà trong ấp không có điểm giữ trẻ, ảnh hưởng rất lớn đến việc lao động kiếm sống hàng ngày, nên ông Thạch Ua lại tiếp tục hiến thêm 200m2 đất để xây dựng điểm trường mầm non Thơm Rơm.

Khi địa phương làm đường giao thông nông thôn liên ấp, gia đình ông Thạch Ua cũng sẵn sàng hiến thêm gần 100m2 đất để làm đường cho người dân địa phương đi lại thuận tiện.

Ông Thạch Ua hào sảng nói: “Nếu như sau này Nhà nước cần thêm, gia đình tui cũng sẽ sẵn lòng hiến đất tiếp để mang lại lợi ích chung cho bà con trong ấp, nhất là lo việc học hành cho lớp trẻ”.

Là một người có uy tín trong dân tộc Khmer, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh ấp 4, ông Thạch Ua luôn là trung tâm đoàn kết, đã hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp trên tinh thần thấu lý đạt tình, đặc biệt là vận động đồng bào dân tộc Khmer hiến đất làm giao thông nông thôn, tham gia các phong trào phúc lợi dân sinh tại địa phương, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Ông cũng là điển hình nhiều năm liền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Trần Minh Hùng, cán bộ mặt trận ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), cũng là một cựu chiến binh nhiệt thành hiến đất xây trường.

Thấy điểm lẻ Trường Mầm non và Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực gần nhà đã xuống cấp trầm trọng; khi địa phương mở rộng tuyến giao thông trước điểm trường thì các học sinh không còn có sân chơi như trước và có thể xảy ra tai nạn giao thông, ông Hùng đã bàn bạc cùng gia đình hiến tặng 1.200m2 đất mặt tiền để địa phương xây dựng điểm trường mới khang trang, sạch đẹp, an toàn. Hiện nay cơ sở mới đã là nơi học tập của trên 80 trẻ mầm non và 3 lớp tiểu học.

Bà Võ Thị Hoa (ngụ tại ấp 3B) cảm kích nói: “Tui có đứa cháu nội học ở đây, hồi trước học điểm cũ rất dơ bẩn, lại thiếu an toàn, nay học chỗ mới rất sạch đẹp. Tui rất biết ơn chú Hùng”.

Bà Ngô Ngọc Giàu (vợ ông Hùng) chia sẻ: “Đất gia đình tôi hiến trị giá trên 100 triệu đồng, đó là đất hương hỏa, nhưng khi nghe chồng tôi bàn hiến để Nhà nước xây trường cho các cháu nhỏ đi học thuận tiện, an toàn, tôi và bà con dòng họ ủng hộ liền”.

Còn ông Hùng vui vẻ nói: “Hiến đất để các cháu nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn là chuyện rất bình thường, không có gì đáng kể đâu. Nhiều người còn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục to lớn hơn nhiều. Bản thân mình là cựu chiến binh, nên phải gương mẫu thôi. Mỗi ngày nhìn thấy các cháu nhỏ tung tăng đến lớp, chăm ngoan, học giỏi là tôi hạnh phúc lắm. Nếu sau này Nhà nước cần mở rộng trường, vợ chồng tui sẵn sàng hiến đất tiếp. Đó là việc nghĩa nên làm”.

Theo Trương Thanh Liêm/SGGP

Theo Trương Thanh Liêm/SGGP