Hà Nội: Vì đâu học sinh Thanh Xuân Bắc bị đau bụng, tiêu chảy?
Giáo dục - Ngày đăng : 04:02, 10/04/2019
– Nhiều ngày qua, các phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng hoang mang lo lắng. Lý do là sau bữa trưa, bữa phụ và uống sữa học đường tại trường, con em họ có biểu hiện đồng loạt đau bụng dữ dội và bị tiêu chảy liên tục.
>> Thanh Xuân – Hà Nội: Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc chưa thi công hoàn thiện đã đón học sinh nhập học
>> Hà Nội: Nhiều học sinh Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc đau bụng sau bữa ăn trưa tại trường
Theo như các phụ huynh phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sự việc xảy ra vào ngày 29/3. Sau khi đón con từ trường về nhà, nhiều phụ huynh lo lắng khi con nói đau bụng, rồi bị tiêu chảy liên tục. Một số gia đình chia sẻ thông tin lên các hội, nhóm phụ huynh của lớp để hỏi han tình hình. Họ càng hoang mang lo lắng khi biết không chỉ con mình, mà rất nhiều cháu khác cũng gặp tình cảnh tương tự.
Nghi ngờ bữa ăn của các con có vấn đề, các phụ huynh đã thông báo với giáo viên chủ nhiệm, ý kiến với nhà trường để mong có câu trả lời. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh bất bình là con số học sinh bị đau bụng, tiêu chảy mà nhà trường đưa ra chỉ có 17 em bị tương tự. Trong khi các phụ huynh hỏi han về sức khỏe con em mình thấy số học sinh bị tiêu chảy lớn hơn nhiều số liệu nhà trường đưa ra.
Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cần phải có giải pháp khoa học cho bữa ăn của các em học sinh trong thời gian tới đây
Một phụ huynh có con học lớp 2 tại đây bức xúc nói: “Tối ngày 29/3, hôm đó vào thứ 6, con tôi đi học về đã có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Cháu có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm. Nhận thấy tình trạng của cháu không quá nghiêm trọng nên gia đình chỉ mua thuốc cho cháu uống để tránh mất nước. Gia đình tôi nghĩ chắc do ăn phải cái gì lạ. Tuy nhiên, sáng ngày thứ 7, tôi vào nhóm kín của phụ huynh có con theo học tại đây mới thấy nhiều phụ huynh khác cũng than con mình bị đau bụng, buổi tối đi ngoài rất nhiều, người mệt. Riêng lớp con tôi, có hơn 20 cháu có biểu hiện bị ngộ độc, có cháu bị nặng hơn được bố mẹ cho đi khám tại Bệnh viện Xây dựng gần trường. Điều đáng nói là khi xảy ra vụ việc, ban giám hiệu nhà trường không hề thông báo với phụ huynh tình trạng sức khỏe các cháu mà im ỉm cho qua. Điển hình là việc cô hiệu trưởng nhà trường còn nói chỉ có 17 em học sinh bị đau bụng, một cháu được đưa vào bệnh viện xét nghiệm với kết quả bị rối loạn tiêu hóa. Phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường là thiếu trung thực vì riêng lớp con tôi đã xác minh được hơn 20 cháu bị đau bụng, chưa kể các lớp khác nữa.”
Hiện phụ huynh Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc rất cần lãnh đạo nhà trường có câu trả lời rõ ràng, minh bạch về sự việc. Vì sao nhiều học sinh bị đau bụng sau bữa ăn ở trường? Do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hay do đâu? Ai là người phải chịu trách nhiệm về sự việc?
Thực đơn có vấn đề?
Để làm rõ phản ánh của phụ huynh, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc. Lãnh đạo nhà trường xác nhận có hiện tượng học sinh của trường bị đau bụng sau khi đi học về. Theo báo cáo từ nhà trường, có 17 cháu bị đau bụng, một cháu đưa vào Bệnh viện Bưu điện vào tối ngày 30/3 làm xét nghiệm phân và chỉ bị rối loạn tiêu hóa. Được biết, bữa trưa bán trú tại trường tiểu học Thanh Xuân Bắc ngày 29-3 được xác định bao gồm Bún giò gà, bánh kem Hải Hà và sữa tươi học đường.
Trước đó, bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp thông tin cho báo chí về việc kiểm tra an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú, sau khi nhận phản ánh từ phụ huynh rằng con họ bị rối loạn tiêu hóa.
Bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc gửi lời xin lỗi đến phụ huynh các em học sinh vì sai sót không đáng có tại bữa ăn trưa vừa qua
“Ngày 30/3, sau khi nhận phản ánh 17 học sinh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ở nhà, phòng y tế quận, trung tâm y tế quận, lãnh đạo phường đã đến trường làm việc và kiểm tra bữa ăn bán trú ngày 29/3. Nhà trường cũng đã lập tức báo cáo quy trình giao nhận thực phẩm và tình hình học sinh tại thời điểm trước và sau khi các em ăn ngày 29/3, niêm phong mẫu thức ăn của bữa trưa, sữa học đường. Có lẽ do một số học sinh bụng yếu bởi thời gian ngắn ăn bún lạnh, sau đó ăn bánh kem tươi cuộn của Hải Hà và uống sữa. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, rà soát và điều chỉnh lại thực đơn. Thực đơn này sẽ được công khai trên website của trường. Ngoài ra nếu phụ huynh nào có chuyên môn về dinh dưỡng thì có thể phối hợp với nhà trường đưa ra thực đơn phù hợp cho các con. Đồng thời, phụ huynh có thể đến trường để cùng tham gia giám sát bữa ăn của các con bất cứ lúc nào.” – Bà Nga nói.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết, UBND quận đã yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tự thành lập tổ kiểm soát an toàn thực phẩm của trường với sự tham gia của Ban giám hiệu nhà trường, công đoàn, mời đại diện Ban phụ huynh học sinh; có biên bản kiểm soát không lấy thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng; kiểm tra chặt chẽ số lượng, chất lượng, thực phẩm đưa vào chế biến.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân khẳng định do đang thời điểm đang giao mùa nên các học sinh ăn món lạnh sẽ dễ dẫn đến đau bụng và bị tiêu chảy
Ông Hữu xác nhận, đúng là ngày 29/3, có hiện tượng học sinh của Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc bị đau bụng, đi ngoài sau khi ăn bữa trưa và bữa phụ ở trường.
“Sáng 30.3, tôi có nhận được phản ánh là nhiều cháu bị đau bụng. Tôi đã điện báo cáo đồng chí lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân. Sau đó, đồng chí Chủ tịch quận đã chỉ đạo cử đoàn kiểm tra về trường làm việc. Sau khi kiểm tra đột xuất, có trích camera, xác định không phát hiện ai ra vào trường, mẫu lưu thực phẩm còn nguyên vẹn, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu lưu thực phẩm đi kiểm nghiệm. Từ đây thì cho ra kết quả tốt, không có vấn đề gì về mẫu thức ăn được xét nghiệm.”Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GDĐT quận Thanh Xuân nói.
Nói về con số 17 học sinh bị đau bụng, ông Hữu cho biết đây là số liệu lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc báo cáo.
“Con số này là nhà trường báo cáo, lấy từ thống kê đại diện phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm các lớp gửi lên. Nếu phụ huynh nói con số học sinh bị đau bụng, đi ngoài nhiều hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh. Nếu ai báo cáo sai thì người đó phải chịu trách nhiệm”- ông Hữu nhấn mạnh.
Về nguyên nhân ban đầu khiến nhiều học sinh bị đau bụng sau bữa ăn ở trường, ông Hữu cho biết, qua trao đổi với cơ quan chuyên môn, có thể do việc thiết kế thực đơn chưa hợp lý.
“Khoảng 11h15 ngày 29/3, các học sinh ăn trưa với thực đơn: Bún, giò, gà. Đến 13h40 cùng ngày, học sinh ăn bữa phụ là bánh cuộn và đến 15h15 uống sữa theo chương trình sữa học đường.Các món trong 3 bữa đều là món ăn lạnh, đang vào thời điểm giao mùa, có thể khiến học sinh bị đau bụng. Chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường rút kinh nghiệm, thiết kế lại thực đơn bữa ăn hằng ngày phù hợp hơn, trong điều kiện học sinh dùng sữa học đường. Còn kết luận cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin vào ngày mai, sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn tại trường.” – ông Hữu cho hay.
Anh Minh