Hà Giang: Nhà vệ sinh trường học vùng cao vô cùng bức thiết
Giáo dục - Ngày đăng : 12:33, 12/09/2019
Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường TH xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ – Hà Giang cho biết: Tại điểm trường chính có hơn 400 học sinh( HS), 30 giáo viên (GV) trong đó 200 học sinh bán trú nhưng nhiều năm liền trường chỉ có 2 phòng vệ sinh đã xuống cấp để sử dụng.
Số lượng và chất lượng nhà vệ sinh trường học vùng cao còn hạn chế.
Như vậy, vào ngày thường khi HS đến trường đầy đủ, tính bình quân hơn 200 HS và GV sử dụng 1 phòng vệ sinh. Bên cạnh sự quá tải, xuống cấp đã lâu thì nhà trường cũng không có nguồn kinh phí thuê lao công dọn dẹp thường xuyên (chỉ có GV và HS luân phiên dọn dẹp)… nên khu vệ sinh thường rơi vào tình trạng bốc mùi hôi.
Đầu năm 2019, được sự hỗ trợ giúp đỡ của một số trường học tại Hà Nội, trường được xây dựng mới khu nhà vệ sinh với 4 phòng vệ sinh (có khu dành riêng cho HS nam nữ, khu vệ sinh nặng nhẹ)… Tổng số phòng vệ sinh tăng lên 6. Song như vậy cũng chỉ góp phần giảm tải mà không giải quyết dứt điểm quá tải.
Hiện nay, với 70 HS, GV/phòng vệ sinh thì nhu cầu về nhà vệ sinh tại Trường TH xã Thanh Vân vẫn vô cùng bức thiết. Bởi thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng đã và đang gây trở ngại tới việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ổn định HS bán trú.
Đối với Trường PTDTBT TH Lùng Tám – xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), câu chuyện nhà vệ sinh trường học lại bi hài hơn. Trong khi cơ sở vật chất trường lớp, phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú cho HS… cơ bản đầy đủ và khang trang thì nhà vệ sinh lại thiếu trầm trọng bởi không có sự đầu tư đồng bộ.
Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng cho biết: Tại điểm trường chính có 3 khu vệ sinh với tổng số 9 phòng nhưng có tới 362 HS. Vẫn 40 HS/phòng vệ sinh. Tỉ lệ này so với nhiều trường đã giảm nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn không đáp ứng đủ cho HS khi đến trường, vào giờ sinh hoạt bán trú. Không những thế, các khu nhà vệ sinh của trường đều trong tình trạng chắp vá, thiếu quy hoạch; cái này vừa được nâng cấp thì cái khác chuẩn bị hỏng.
Thực tế cho thấy, nhiều trường vùng cao vùng khó đang rơi vào tình trạng thiếu về số lượng nhà vệ sinh, chất lượng không đảm bảo, nhà vệ sinh trong tình trạng cũ kĩ, bẩn thỉu. Thực tế này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân.
Trước tiên phải kể tới ngân sách đầu tư cho GD, cơ sở vật chất trường học ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác cho các công trình vệ sinh trường học lại không dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để xây dựng các công trình dù nhỏ nhất cũng chịu giá cả cao hơn vùng xuôi bởi giá vật liệu, nhân công đắt hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tới vấn đề khó khăn trong việc tìm được mặt bằng xây dựng các công trình với địa hình chủ yếu là dốc, đồi núi…
Một số giải pháp tạm thời vẫn được các trường học vùng khó, vùng cao triển khai đối với vấn đề nhà vệ sinh trường học vẫn là: Tích cực ổn định nguồn nước sinh hoạt để tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng cách sửa chữa đường dẫn nước; đào giếng khoan lấy nước…; Huy động cả giáo viên, HS vào công việc giữ gìn nhà vệ sinh bởi hầu hết các trường không có lao công chuyên trách. Giáo dục kĩ năng sống, cách giữ gìn vệ sinh chung cho HS; Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho công trình vệ sinh trường học.
Tú Anh (T/h)